An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn
Tỉnh Hưng Yên, năm 2022 xảy ra 75 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), năm 2023 xảy ra 92 vụ, 6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 54 vụ. TNLĐ gây ra những tổn thương, thiệt hại với cả người lao động và người sử dụng lao động. Do vậy, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), xây dựng môi trường sản xuất an toàn là một trong những giải pháp để phòng ngừa TNLĐ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với phương châm hoạt động: Muốn sản xuất ổn định phải coi trọng công tác an toàn, coi “an toàn là bạn, tai nạn là thù”, thời gian qua, Công ty TNHH Thép Nhật Quang (Khu công nghiệp Phố Nối A) thực hiện nghiêm việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ. Hằng năm, công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công nhân lao động về ATVSLĐ, phòng, chống cháy, nổ… Để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, công ty đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất nhà xưởng; thực hiện kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thường xuyên rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành các máy, thiết bị. Đồng thời, công ty chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Tại Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (Văn Lâm), việc thành lập phòng ATVSLĐ được đánh giá là một trong những biện pháp hiệu quả để duy trì và bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình sản xuất. Phòng có nhiệm vụ kiểm tra máy móc, thiết bị định kỳ; kiểm tra các điều kiện làm việc nhằm phát hiện các sự cố, khắc phục các nguy cơ mất ATVSLĐ kịp thời. Công ty xây dựng nhiều quy chế, quy định về ATVSLĐ. Tại các khu vực sản xuất đều treo bảng hiệu về ATLĐ, quy chế vận hành máy móc... Các an toàn, vệ sinh viên tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ...
Theo đánh giá của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, thời gian qua, công tác bảo đảm ATVSLĐ tại các doanh nghiệp của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện, thực hành nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho người lao động; thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; tổ chức khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ... Năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác nhận cho 375 lượt doanh nghiệp sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Sở cũng tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động; huấn luyện định kỳ cho người làm công tác ATVSLĐ của tỉnh…
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATVSLĐ vẫn còn những hạn chế như: Việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSLĐ có lúc, có nơi chưa thường xuyên. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện việc kiểm định, khai báo máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nhưng vẫn đưa vào sử dụng. Ý thức của một số chủ sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ còn hạn chế…
Cuối năm là thời điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra nhộn nhịp, gấp rút. Do vậy, càng không thể chủ quan đối với công tác bảo đảm ATVSLĐ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ngày 12/11/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND Triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới. Kế hoạch đề ra mục tiêu: Phấn đấu giảm TNLĐ, nhất là TNLĐ nghiêm trọng, tỉ lệ TNLĐ chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được xác định là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đối với công tác ATVSLĐ. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp làm công tác ATVSLĐ. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra, điều tra TNLĐ… Cùng với đó, để hạn chế các rủi ro liên quan đến ATVSLĐ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tiến hành rà soát, bổ sung nội quy, quy trình vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động đặc biệt là chế độ, chính sách liên quan công tác ATVSLĐ…