Ăn Tết Độc lập - Nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh, không chỉ là một dịp để toàn dân tộc Việt Nam nhớ về những trang sử hào hùng của đất nước, mà còn là thời điểm đặc biệt để các gia đình đoàn tụ, cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc ấm áp và thiêng liêng. Ăn tết Quốc khánh đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thêm ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh 2/9

Từ năm 2021, khi Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, dịp 02/9, người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày gồm ngày 02/9 (dương lịch) và 1 ngày liền trước hoặc liền sau. Lịch nghỉ áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 02 ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, việc thêm ngày nghỉ Quốc khánh dành cho người lao động, nhằm mục tiêu tăng cường, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe, có điều kiện quây quần, ấm cúng bên gia đình. Như vậy người lao động có thêm thời gian thu xếp nghỉ ngơi, người ở xa có thời gian đi về quê, không bị cản trở về thời gian.

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh là thời điểm đặc biệt để các gia đình đoàn tụ.(Ảnh minh họa)

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh là thời điểm đặc biệt để các gia đình đoàn tụ.(Ảnh minh họa)

Chính vì vậy, dịp nghỉ lễ Quốc khánh, cũng là thời điểm để nhà nhà, người người sum họp, nấu những bữa ăn ngon, quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Ăn tết Quốc khánh cũng đã và đang trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Ngày Quốc khánh là cơ hội hiếm hoi để mọi người tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống, trở về với gia đình, nơi mà tình cảm luôn được vun đắp qua từng khoảnh khắc bên nhau.

Trong những bữa cơm đầm ấm, mọi người cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống và chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm, gắn kết tình thân. Câu chuyện về lịch sử dân tộc, về những hy sinh, cống hiến của thế hệ đi trước được ông, bà, bố mẹ kể lại.

Từ bé cho tới bây giờ, trong ký ức tôi, những ngày nghỉ lễ Quốc khánh đều rất đặc biệt. Khi còn bé là những ngày chạy quanh mẹ. Phụ mẹ đồ xôi, nấu chè, luộc gà. Còn khi đã lớn cũng là lúc phải tất bật với mâm cơm cúng.

Công việc hoàn tất khi mâm cơm thịnh soạn đã xong. Trước là ông nội, còn bây giờ là bố tôi, trịnh trọng thắp nén hương tưởng nhớ công lao của những thế hệ đi trước, những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Vui Tết Độc lập" được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

"Vui Tết Độc lập" được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thắp hương xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm, ông nội rất hay kể chuyện bộ đội ta đánh giặc. Ông luôn nhấn mạnh để có cuộc sống mới như ngày hôm nay thì biết bao người đã ngã xuống, những mất mát chẳng bao giờ có thể bù đắp.

Giờ ông không còn nữa, nhưng tôi vẫn kể lại cho các con một cách chân thật như chính mình sống trong thời khắc lịch sử đó.

Gia đình – Chiếc cầu nối giữa các thế hệ

Trong nhịp sống hiện đại đầy bận rộn, gia đình vẫn luôn giữ vững vai trò là chiếc cầu nối các thế hệ, một điểm tựa vững chắc, nơi mà những giá trị truyền thống, ký ức lịch sử được gìn giữ và truyền lại.

Ngày Quốc khánh, với ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dịp mà mỗi gia đình có cơ hội sống chậm lại, cùng nhau nhắc nhớ về những kỷ niệm xưa, gắn kết quá khứ với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.

Người dân xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) hân hoan, đoàn viên bên mâm cỗ Tết Độc lập.

Người dân xóm Vó Giữa, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) hân hoan, đoàn viên bên mâm cỗ Tết Độc lập.

Những câu chuyện của ông, bà, bố, mẹ về lịch sử đất nước, về những năm tháng khó khăn mà họ đã trải qua luôn mang đến cảm xúc khó tả. Với các con, cháu không chỉ kỷ niệm đơn thuần, mà đó còn là tư liệu sống động về một thời hào hùng của đất nước.

Sau khi nghe những câu chuyện, chúng tôi mới hiểu vì sao các bậc tiền bối ngày xưa lại kiên định đến vậy. Vì khi đó, chỉ một con đường duy nhất để đưa cách mạng đến thành công đó là sự đoàn kết dân tộc. Là ý trí, là lòng tự tôn của một dân tộc anh hùng. Từng câu chuyện được kể lại không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử mà còn nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào.

Những ngày này, khắp các bản làng ở vùng cao Mù Cang Chải, người người đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gà đồi, lợn bản… để đón con cháu về ăn Tết Độc lập.

Những ngày này, khắp các bản làng ở vùng cao Mù Cang Chải, người người đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gà đồi, lợn bản… để đón con cháu về ăn Tết Độc lập.

Chính trong những phút giây ấy, gia đình thực sự trở thành một chiếc cầu nối vững chắc, mang lại sự tiếp nối và sự trường tồn cho những giá trị truyền thống của dân tộc.

Và cứ như thế, trải qua thời gian, ngày Quốc khánh là dịp để mỗi gia đình tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, giữ gìn và truyền thừa những giá trị tốt đẹp cho thế hệ sau, từ đó, mỗi người con đất Việt lại viết tiếp những trang sử mới.

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/an-tet-doc-lap-net-dep-truyen-thong-cua-dan-toc-viet-nam-446384.html
Zalo