'Ẩn số' ca tử vong do đại dịch COVID-19 trên toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia cho rằng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 trên thực tế cao hơn nhiều so với số ca tử vong ghi nhận được.
Cách đây hơn 5 năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, hầu như tất cả quốc gia đều có người nhiễm và chết.
WHO và các chuyên gia đồng ý rằng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 trên thực tế cao hơn nhiều so với số ca tử vong ghi nhận được. Đến thời điểm này, các nhà nghiên cứu vẫn gặp khó khăn trong việc xác định số ca tử vong trên thực tế do đại dịch COVID-19.
Số ca tử vong
Theo dữ liệu của WHO, trên toàn cầu, hơn 7 triệu người đã tử vong được ghi nhận do đại dịch COVID-19. Dù vậy, WHO ước tính đại dịch đã gây ra 14,83 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2020 và 2021.

Bức tường tưởng niệm các bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại London (Anh) vào ngày 11-3-2025. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo đài ABC News, sự chênh lệch giữa số ca tử vong được ghi nhận và số ca tử vong dự kiến trong một khoảng thời gian nhất định được gọi là "số ca tử vong vượt mức".
Theo báo cáo, COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong cao thứ ba trên toàn cầu vào năm 2020 và thứ hai vào năm 2021. Với Mỹ, COVID-19 nhanh chóng trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong hai năm này.
COVID-19 nằm trong số 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết khu vực trên thế giới, ngoại trừ châu Phi và Tây Thái Bình Dương.
Theo WHO, hiện tại, Mỹ có số ca tử vong cao nhất thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến đầu tháng 3 năm nay, hơn 1.200.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng số người chết thực sự cao hơn con số này.
Ông Cameron Wolfe – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Đại học Duke (Mỹ) – cho rằng sở dĩ con số thống kê số người tử vong vì COVID-19 có thể không chính xác là do việc xác định nguyên nhân tử vong chính xác do đại dịch COVID-19 có thể phức tạp.
Ông cho rằng những người mắc virus có thể tử vong vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, những người lớn tuổi mắc virus gây COVID-19 có thể bị mất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của xương.
"Cách bạn tính những kết quả đó thực sự quan trọng, vì đối với tôi, nếu những người đó không mắc COVID-19, có thể họ sẽ không bị mất nước, không bị ngã [do ảnh hưởng xương khớp] và không phải nhập viện. Vì vậy, tôi thực sự nghĩ rằng việc tính những trường hợp đó là tử vong liên quan COVID-19 là rất quan trọng, nhưng chúng rất khó để tính. Chúng rất khó để theo dõi" – ông Wolfe nói.
Ngoài ra, các vấn đề của hội chứng hậu COVID-19 cũng có thể gây nên những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.
Các triệu chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Theo CDC, các triệu chứng có thể bao gồm sốt, mệt mỏi, ho, đau ngực, đau đầu, khó tập trung, gặp các vấn đề về giấc ngủ, đau dạ dày và đau khớp hoặc đau cơ.

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một trung tâm lái xe ở New York (Mỹ) vào năm 2020. Ảnh: GETTY IMAGES
"Có một số câu hỏi mà chúng ta vẫn chưa có câu trả lời. Cơ chế của hội chứng hậu COVID-19 là gì? Tại sao một số người lại bị bệnh nặng hơn những người khác?” – tiến sĩ Fernando Carnavali, công tác tại Trung tâm chăm sóc sau COVID của Mount Sinai (Mỹ), đặt câu hỏi.
Vì sao số liệu về ca tử vong do đại dịch COVID-19 lại quan trọng?
Vào những ngày đầu của đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu đã phải chạy đua với thời gian để nắm bắt tốc độ lây lan của virus và ghi nhận số ca tử vong liên quan. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu đã nhanh chóng phát hiện ra một mô hình đáng lo ngại: Nhiều ca tử vong liên quan đến virus chưa bao giờ được thống kê chính thức, theo trang tin The Conversation.
"Số ca tử vong vượt mức" được xem là nguồn chính để tìm số ca tử vong không được báo cáo trong các cuộc khủng hoảng y tế như COVID-19. Nhiều ca tử vong không được thống kê trong những năm qua được cho là có liên quan COVID-19 thông qua việc xem xét hồ sơ y tế, giấy chứng tử và mô hình thống kê.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại miền nam Thái Lan vào tháng 7-2021. Ảnh: AFP
Chẳng hạn ở Mỹ, các nhà phân tích cho rằng những con số ghi nhận được chưa phản ánh đúng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nếu không có dữ liệu toàn diện về các ca nhiễm COVID-19, phản ứng kháng thể và các tác dụng phụ, các nhà nghiên cứu sẽ gặp khó khăn trong việc phòng ngừa dịch bệnh.
Dữ liệu này cũng rất cần thiết trong quá trình phát triển vaccine vì nó giúp xác định những người có nguy cơ cao nhất, biến thể và phương pháp điều trị nào ảnh hưởng đến tỉ lệ sống sót, cũng như cách thiết kế và phân phối vaccine. Dữ liệu tử vong cũng rất cần thiết cho nghiên cứu y tế, bao gồm đánh giá các chương trình y tế cộng đồng, theo dõi bệnh tật.