Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Lừa chồng bán thận để lấy tiền trốn cùng nhân tình
Người vợ bị cáo buộc nài ép chồng bán thận ở chợ đen để trả học phí cho con, nhưng thực chất mang tiền bỏ trốn cùng tình nhân mới quen trên Facebook.
Án Nước ngoài: Vợ lừa chồng bán thận rồi ôm tiền theo "tiếng gọi của tình yêu"
Hôm 2/2, cảnh sát cho hay đã mở cuộc điều tra theo đơn khiếu nại của gia đình người chồng, sống tại Sankrail, quận Howrah, Tây Bengal, Ấn Độ.
Theo cáo buộc, người vợ đã gây sức ép với chồng trong suốt một năm để buộc anh phải bán thận nhằm cải thiện tình hình tài chính, trả tiền học cho con gái 12 tuổi và để dành một phần làm của hồi môn cho cô bé.
Ban đầu miễn cưỡng nhưng cuối cùng người chồng này tin rằng sự hy sinh của mình sẽ cải thiện tình hình tài chính của gia đình và đảm bảo tương lai cho con.
Anh ta đã dành một năm để tìm người mua trên thị trường chợ đen. Sau khi trải qua quá trình đau đớn, anh ta được trả một triệu rupee (300 triệu đồng) cho quả thận của mình và mang toàn bộ tiền về đưa cho vợ.
Sau đó, người vợ hướng dẫn anh ta nghỉ ngơi và hồi phục.
"Một ngày nọ, cô ấy rời khỏi nhà và không trở về. Sau đó, tôi phát hiện toàn bộ số tiền mặt cùng một số tiền tiết kiệm khác của gia đình đã biến khỏi tủ", người đàn ông nói với truyền thông.
Hóa ra, trong khi người đàn ông đang cố gắng giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, vợ anh ta đang lên kế hoạch cho tương lai với một người đàn ông khác đến từ Barrackpore. Người này là họa sĩ, đã gặp cô trên Facebook và cuối cùng hai người đã bắt đầu mối quan hệ cùng thời điểm cô bắt đầu nài nỉ chồng bán thận.
Theo đơn khiếu nại, với sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình đã tìm thấy cô ở Kolkata, đang chung sống họa sĩ này. Cô từ chối nói chuyện cùng chồng, con hay bất cứ ai, khẳng định sẽ đệ đơn ly hôn.
Việc bán nội tạng người đã bị coi là bất hợp pháp ở Ấn Độ kể từ năm 1994, nhưng các bác sĩ tin rằng việc mua bán nội tạng vẫn tiếp diễn ở thị trường chợ đen vì thiếu trầm trọng người hiến tặng.
![ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_296_51429904/28f9b9d1839f6ac1338e.jpg)
ảnh minh họa
Luật Việt Nam: Mua bán thận người không vì mục đích nhận đạo là tội hình sự
Thận là một bộ phận trong cơ thể của con người, theo quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 thì: "Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định (ví dụ như: nội tạng, giác mạc, tay, chân…)".
Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam quy định, mua bán thận người là hành vi mua, bán trái thận của người khác hoặc của chính mình trái phép, với mục đích chính là thương mại (vì tiền) chứ không phục vụ cho mục đích nhân đạo.
Trên cơ sở đó, mua bán thận người là hành vi phạm tội mua bán nội tạng người theo Điều 154 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với tội danh Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Theo đó, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt sau: Khung 1 phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; Khung 2 phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; Khung 3 phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong vụ việc trên, người vợ đã gây sức ép với chồng trong suốt một năm để buộc anh này phải bán thận nhằm cải thiện tình hình tài chính, trả tiền học cho con gái 12 tuổi và để dành một phần làm của hồi môn cho cô bé.
Cũng vì tin vợ, nghĩ rằng sự hy sinh của mình sẽ giúp cải thiện tình hình tài chính của gia đình và đảm bảo tương lai cho con mà người chồng đã trải qua quá trình đau đớn, nhận về 1 triệu rupee (300 triệu đồng) cho quả thận của mình. Toàn bộ số tiền này, người chồng đã giao cho vợ quản lý.
Thực tế là trong khi người đàn ông đang cố gắng giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói thì vợ anh ta đang lên kế hoạch cho tương lai với một người đàn ông khác đến từ Barrackpore. Sau đó cô vợ đã ôm toàn bộ số tiền mặt cùng một số tiền tiết kiệm khác của gia đình đi khỏi nhà đến sống chung với người tình.
Khoản 1 Điều 154 BLHS quy định: Người nào (người có năng lực trách nhiệm hình sự) mua bán thận người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Mua, bán mô hoặc bộ phận cơ thể người có thể chỉ là hành vi mua hoặc là hành vi bán hoặc bao gồm cả hai. Vì vậy, trong vụ án này, nếu chứng minh được người vợ tham gia vào quá trình mua bán thận của người chồng thì cô này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 154 BLHS.
![anht minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_296_51429904/af8138a902e7ebb9b2f6.jpg)
anht minh họa
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Vì mục đích thương mại; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với từ 02 người đến 05 người; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đối với 06 người trở lên; Gây chết người; Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp này, người chồng tự nguyên mua bán thận của bản thân. Tuy nhiên, nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là tự nguyện; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học… không nhằm mục đích thương mại.
Ở đây, mặc dù vì hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống, hiểu biết pháp luật hạn chế nhưng người chồng đã bán thận vì mục đích thương mại, do đó, đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người chồng cũng có thể bị xử lý hình sự. Song, khi lượng hình, cơ quan chức năng sẽ xem xét, cân nhắc về hành vi, mức độ, hoàn cảnh của anh này để có hình thức xử lý hợp tình, hợp lý.
Bên cạnh đó, người vợ còn có thể bị xử lý về các hành vi trộm cắp tài sản (lấy tiền bán thận của chồng và tiền tiết kiệm của gia đình); vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì cô này cũng phải đối diện với việc bị xử phạt hành chính về hành vi ngoại tình khi hôn nhân vẫn đang tồn tại.