An nhiên trong thế giới sôi động
Lo lắng, bất an, chịu nhiều áp lực khiến cuộc sống trở nên căng thẳng. Mỗi người mỗi kiểu, ai cũng có nỗi băn khoăn trắc ẩn của riêng mình. Nguồn gốc từ đâu và phải cân bằng lại như thế nào cho an ổn.
Đứng trước thực trạng chung của nhân loại như thế chúng ta mới thấm thía câu nói của Đức Phật đã khai thị cho tướng cướp Angulimala: “Ta đã dừng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy dừng lại!”.
Với người có hiểu biết về Phật pháp thì chắc hẳn quá quen thuộc với lời dạy trên. Trong kinh Angulimala có chép: “Vào thời Đức Phật tại thế. Trong lãnh thổ của quốc vương Pasenadi, nước Kosala có tướng cướp tên Angulimala, vì không phân biệt rõ tà chánh nên cố tìm cách giết hoặc làm bị thương nhiều người để lấy cho đủ một ngàn đốt tay làm vòng đeo trên mình. Một hôm trong cuộc truy sát Phật để lấy đốt tay, hắn vừa đuổi theo Phật vừa gọi :
- Hãy dừng lại, Sa-môn! Hãy dừng lại, Sa-môn!
- Ta đã dừng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy dừng lại!
Ngay sau câu nói của Phật tên cướp tỉnh ngộ quăng bỏ khí giới, quỳ bên chân Phật và xin được xuất gia. Phật ưng thuận” (Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Angulimala, số 86).
Chỉ một câu nói của Đức Phật nhưng lại mang sức mạnh chuyển hóa con người một cách nhanh chóng. Vừa trước đây là một tên sát nhân đáng sợ nhưng thoắt cái liền trở thành người lương thiện. Giống như bài kệ của Thiền sư Tư Nghiệp trong Tông môn cảnh huấn:
“Hôm qua tâm Dạ-xoa
Ngày nay mặt Bồ-tát.
Dạ-xoa cùng Bồ-tát,
Không cách một đường tơ”.
Thế nên ranh giới giữa thiện ác không phải là quá xa, chỉ một mảy tơ thì liền chuyển thành con người khác hoàn toàn. Do vậy trong cuộc sống này, chúng ta đừng nên quá chấp chặt vào quá khứ của một con người. Hôm qua họ là người xấu nhưng do hối cải nên nay đã thành tốt. Còn người kia hôm qua tốt nhưng nay vì một nguyên do gì đó thì họ không còn tốt nữa cũng không chừng.
Trong câu chuyện trên, “dừng lại” có nghĩa là dừng tất cả những ý niệm lăng xăng của chính mình. Đức Phật muốn Angulimala dừng những tâm ý chứa đầy dục vọng đang hừng hực thiêu đốt, sai sử bản thân để trở thành một kẻ sát nhân đầy nguy hiểm. Khi dừng được những ý niệm xấu ác thì giống như đã loại bỏ được kẻ chủ mưu dẫn dắt mình vào vòng xoáy tội lỗi. Điều này trong kinh Pháp cú (phẩm Song yếu) Đức Phật dạy rõ:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo”.
(Kinh Pháp cú, số 1)
Angulimala nhận ra được lời Phật dạy nên đã thức tỉnh hoàn toàn.
Phật dạy cho Angulimala một lần thì liền thức tỉnh. Còn chúng ta đọc tới đọc lui rất nhiều lần mà sao chẳng biến đổi được gì, điều này cần phải ngẫm lại. Lâu nay chúng ta sống trong sự dính mắc, mãi để cho cái tâm ý rong ruổi của mình dẫn dắt rồi gây tạo không biết bao nhiêu là nghiệp, tốt xấu đủ đầy. Lời Phật đã khai thị cho Angulimala nhưng cũng khai thị cho chúng ta, cho tất cả những ai còn chưa chịu thức tỉnh quay đầu. Dừng lại để có thời gian chiêm nghiệm về dòng luân hồi vô tận. Về những kiếp sống qua, do mãi phan duyên dính mắc với sáu trần nên tâm không bao giờ được chút an ổn thảnh thơi. Dừng lại để thấy được bản chất thật của các pháp vốn nguyên vẹn đủ đầy.
Theo lý giải trong Thiền tông, khi một người dừng lại tất cả những ý niệm lăng xăng, không còn bị chúng chi phối thì lúc ấy sẽ nhận ra được một tâm thái chân thật luôn hiển bày. Tâm thái này luôn rõ ràng suốt biết tất cả mà không hề bị tất cả chi phối, đây chính là chủng nhân để đạt được quả vị Phật trong tương lai.
Như vậy đối với vấn nạn của con người về sự lo lắng, bất an, nhiều áp lực quá tải khiến họ rơi vào căng thẳng, mỏi mệt, tất cả bắt nguồn từ sự quay cuồng của dòng suy nghĩ trong tâm trí. Những suy nghĩ đó không thật, nó chỉ thoắt ẩn thoắt hiện nhưng mang sức mạnh rất lớn, nó đủ sức khiến cho con người phải lao theo. Chính nó là nguyên nhân chi phối gây nên khổ đau mà ít ai nhận ra. Chúng ta nên hiểu rằng hết thảy suy nghĩ trong ta là hư vọng, sinh diệt, vô thường, biết như vậy để mình không còn bám víu vào nó nữa.
Chúng tôi nhớ câu chuyện cách đây cũng khá lâu với người bạn. Do ngày trước chưa biết nhiều về Phật pháp nên không thể lý giải được. Trong cuộc trò chuyện, người bạn đã nói: “Sao tôi thấy thật nực cười, có những khi ngồi suy nghĩ một mình. Thấy cái suy nghĩ đó hay vô cùng, cứ thế thả trôi miên man theo điều đó nhưng đến hôm sau ngồi nghĩ lại thì thấy hết sức tào lao…”. Thật đúng như vậy. Chắc hẳn chúng ta đều bị mắc phải trường hợp trên. Đang lúc suy nghĩ thì chắc như thật nhưng qua rồi thì thấy như hai kẻ xa lạ. Về vấn đề này Thiền sư Thích Thanh Từ đã đề cập đến trong một bài giảng như sau: “Lâu nay người ta lầm nhận rất nhiều về tâm, đa số người chấp suy nghĩ là tâm mình... Hết nghĩ chuyện này đến nghĩ việc kia, liên tục không ngừng nghỉ. Dòng nghĩ suy liên tục như nước trôi qua mất hút không tồn tại, không chỗ nơi, lại chấp là tâm mình”.
Thế đấy trong suốt cuộc đời, con người cứ mãi sống trong cái suy nghĩ vẩn vơ của chính mình. Suy nghĩ về chuyện tích cực đã đành lại còn phải suy nghĩ thêm những chuyện tiêu cực. Cộng thêm sự hỗ trợ của kỹ thuật điện tử, ngồi ở nhà nhưng chỉ cần nhấp chuột là có thể nắm rõ cả tình hình thế giới, sau đó đem chuyện thiên hạ ra độc thoại phân bua giùm… Một mớ hỗn tạp cũ mới cứ tiếp nối quay cuồng tạo nên nội tâm dấy động. Thế đấy, tâm có lúc nào yên đâu mà chẳng rối bời, bất an. Sống một đời trôi qua nhưng mình chưa bao giờ được sống cho chính mình. Điều đó không có gì lạ, bởi sự sống có mặt chỉ khi ta biết tỉnh giác từng chút một. Sống với nội tâm an nhiên không cuốn trôi theo dòng suy nghĩ, ngay khi ấy mới thật sự là mình đang tồn tại. Còn mãi sống với sự miên man của nghĩ ngợi hết trong nhà rồi lại ra chợ, không lên núi thì cũng xuống biển, chẳng ngõ ngách nào không có mặt. Cứ thế trong một ngày cũng chẳng biết ta là ai và đang ở đâu.
Nếu không phải là bậc xuất gia quyết tâm tu tập để đạt nội tâm thanh tịnh hoàn toàn thì còn lại bậc cư sĩ tại gia nên luyện tập tâm của chính mình. Chúng ta nên biết sàng lọc suy nghĩ cần thiết cho đời sống hiện tại. Sau đó hãy loại trừ đi những suy nghĩ không cần thiết, vì chính những dòng suy tư miên man kia là nguyên nhân góp phần tạo nên dòng nghiệp thọ sanh vào các cảnh. Hãy tập rèn luyện tâm để có được niềm vui đích thực từ cuộc sống này.
“Kẻ ngu vô trí, đam mê phóng dật
Còn người có trí, giữ không phóng dật
Như giữ tài sản, tối thượng, tối quý
Chớ mê phóng dật, chớ mê dục lạc”.
(Kinh Angulimala)
Đó chính là lời của ngài Angulimala sau khi sống độc cư thiền tịnh cảm thọ được giải thoát an lạc và trong lúc ấy ngài đã nói lên những lời cảm khái trên.
Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân thì tức nhiên Ngài cũng chỉ cách khắc phục để đạt được hiệu quả.Trong kinh Niệm xứ, Đức Phật đã dạy: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, tuệ tri: ‘Tôi đi’, hay đứng, tuệ tri: ‘Tôi đứng’, hay ngồi, tuệ tri: ‘Tôi ngồi’, hay nằm, tuệ tri: ‘Tôi nằm’. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy tuệ tri thân như thế ấy… Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm…”.
Đó chính là phương pháp Phật muốn chúng ta ứng dụng. Thực hành theo cách này thì dù đi trong thế giới đầy xa hoa cám dỗ chúng ta vẫn không bị mất mình và vẫn luôn thấy được mình đang tồn tại. Nếu kiên trì ứng dụng thì tất cả trong mọi thời đều được an lạc. Mỗi một vi tế tỉnh giác như một giọt nước rơi vào cái giếng cạn khô. Đến khi cái giếng đủ đầy thì cũng chính là lúc ta thấy mình là cả dòng nước trong lành. Các Thánh quả sẽ mở ra cho ai chịu đi vào.
“Ta đã dừng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy dừng lại!”.
Đức Phật dạy cho Angulimala nhưng cũng dạy cho tất cả chúng ta. Dừng lại để thấy tất cả đang hiện đúng với bản chất thật của chúng. Dừng lại để thấy được ta là ai trong cuộc sống này. Dừng lại để không còn thấy bóng dáng của sự lo lắng, bất an. Dừng lại để thấy rằng dù tất cả đang biến đổi theo trái chiều, thuận nghịch thì cái gọi là căng thẳng không bao giờ chạm đến được. Dừng lại và chỉ khi dừng lại những nghĩ ngợi miên man thì bạn thật sự sẽ an nhiên trong thế giới sôi động này.