An Nam Cộng sản Đảng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam
Do không thực hiện được Nghị quyết của Đại hội Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã giao là phải đưa vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra bàn trước Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông, ngày 5-5-1929, Đoàn đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ rời đại hội ra về.
Những đại biểu còn lại tiếp tục họp và ra một loạt Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết vĩnh viễn khai trừ ba đại biểu của Thanh niên Bắc Kỳ về đề nghị đề án lập Đảng Cộng sản không đủ lý do để đại hội thảo luận... vô cớ bỏ Đại hội[1].
Ngày 1-6-1929, Đoàn Đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ ra Tuyên ngôn ly khai tổ chức Thanh niên và sau đó lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hà Nội vào ngày 17-6-1929[2]. Hội nghị thành lập Đảng đã đề ra Điều lệ, Cương lĩnh, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và hoạch định kế hoạch phát triển đảng ra cả nước. Ngày 9-5-1929, Đại hội Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên bế mạc sau khi bầu ra một Ban Chấp hành Tổng bộ gồm 11 người, trong đó có 7 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Những người có mặt ở đại hội được bầu gồm: Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Thiệu... một số đang đi công tác hoặc đang bị Quốc dân Đảng Trung Quốc giam giữ cũng được bầu như Hồ Tùng Mậu. Ngay sau đại hội, hầu hết Tổng bộ mới được bầu trở thành Hội trù bị thành lập Đảng Cộng sản có nhiệm vụ cải tổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lập các chi bộ và chậm nhất vào cuối năm 1930 phải chính thức ra đời một Đảng Cộng sản (chưa định tên đảng là gì).
Chính trong hoàn cảnh đó, tại Nam Kỳ (Sài Gòn) đã xuất hiện 3 tổ chức cộng sản, cùng chung mục đích lý tưởng, nhưng trong công tác tổ chức, trong chủ trương, chính sách cụ thể còn những điểm khác nhau, cộng thêm ý kiến cá nhân xen vào làm cho quan hệ giữa các tổ chức cộng sản này thêm phức tạp.
Sau đại hội, Đoàn đại biểu Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ về Sài Gòn, hầu hết đều ở trong Tổng bộ mới như: Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, đồng thời cũng ở trong Hội trù bị thành lập Đảng - đã bắt tay ngay vào việc phổ biến Nghị quyết Đại hội, tiến hành cải tổ tổ chức Thanh niên. Xu hướng chung của hội viên tổ chức Thanh niên, kể cả Tân Việt, lúc này rất mong muốn được chuyển thành đảng viên cộng sản.
Đầu tháng 7-1929, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm và một số hội viên đã bí mật họp tại đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm - Quận 1, TP Hồ Chí Minh) để thông báo chủ trương cải tổ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và lựa chọn những người ưu tú trong số hội viên thanh niên để chuyển thành đảng viên cộng sản. Đúng lúc này, Pháp mở rộng việc lùng bắt những người cách mạng khiến cho hầu hết những thành viên trong Kỳ bộ mới của Thanh niên Nam Kỳ đều bị bắt, biết đồng chí Phạm Văn Đồng ra Trung Kỳ và đang trên đường trở lại Sài Gòn, nên mật thám Pháp đã bí mật giăng lưới chờ sẵn. Ngày 29-7-1929, đồng chí Phạm Văn Đồng vừa xuống tàu tại ga Sài Gòn thì bị mật thám ập tới vây bắt và đưa về sở cảnh sát[3], riêng đồng chí Châu Văn Liêm lúc này chưa bị bắt.
Do ảnh hưởng mạnh mẽ của sự ra đời Đông Dương Cộng sản Đảng, Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Châu Văn Liêm phụ trách đã quyết định cải tổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thành An Nam Cộng sản Đảng và tháng 8-1929, tại Hồng Kông (Trung Quốc), các đồng chí Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Hồ Tùng Mậu, Châu Văn Liêm cùng một số đồng chí khác đang ở Trung Quốc và trong nước chạy sang, tất cả khoảng 20 người[4], cùng nhau họp bàn thành lập Chi bộ đặc biệt của An Nam Cộng sản Đảng được thành lập[5], ra thông cáo giải thích rằng Hội trù bị thành lập Đảng Cộng sản không còn mấy người, nên nghị quyết thủ tiêu Hội trù bị đi mà tổ chức ra một chi bộ ở Trung Quốc lấy tên là Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, xuất bản tờ báo Đỏ làm cơ quan ngôn luận.
Trở về Sài Gòn, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một hội nghị tại Phong cảnh khách lầu phòng số 1, lầu 2, nhà 1, ở góc đường Bonard Philippini (nay là góc đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) gồm các đại biểu đã được chọn ở các tỉnh để tổ chức An Nam Cộng sản Đảng. Các đại biểu dự hội nghị trở thành đảng viên, được giao nhiệm vụ chọn người phát triển đảng và thành lập các chi bộ theo hệ thống An Nam Cộng sản Đảng.
Tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương do trùm mật thám Pháp là Louis Marty viết năm 1933, cho biết về An Nam Cộng sản Đảng như sau: “… Đảng này do những người lãnh đạo đảng Thanh Niên tại Quảng Châu sáng lập. Vì lo sợ trước những tiến bộ vượt bực của đảng đối thủ, họ bí mật thành lập An Nam Cộng sản Đảng vào tháng 8-1929 để giữ lại những phần tử ưu tú và nhiệt thành nhất, tức là chính những phần tử có thể có khuynh hướng bỏ đảng Thanh Niên sang Đông Dương Cộng Sản Đảng”.
Vào tháng 11-1929, An Nam Cộng sản Đảng quyết định thành lập Ban Lâm thời chỉ đạo đóng trụ sở ở Sài Gòn. Ban Lâm thời chỉ đạo này đặt ở trong nước và chỉ đạo các tổ chức ở trong nước. Các đồng chí ở Hương Cảng vẫn tổ chức một chi bộ đặc biệt của An Nam Cộng sản nhưng không chịu sự lãnh đạo của Ban Lâm thời chỉ đạo, trái lại còn chỉ đạo mọi mặt cho Ban, nhất là về đường lối, chủ trương.
Ban Lâm thời chỉ đạo lãnh đạo công việc thường ngày, thường xuyên báo cáo tình hình, xin ý kiến của các đồng chí ở Chi bộ Hương Cảng. Ban Lâm thời chỉ đạo gồm có Châu Văn Liêm, Nguyễn Nghĩa, Ung Văn Khiêm, Đỗ Quảng, Huỳnh Quảng, do Châu Văn Liêm làm Bí thư.
Ở Sài Gòn, An Nam Cộng sản Đảng tích cực hoạt động, xuất bản tạp chí Bônsêvích; tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin trong công nhân, nông dân; đã xây dựng được chi bộ hoặc phát triển được đảng viên ở Xưởng Ba Son, Hãng FACI, Đêpô xe lửa Dĩ An, Hãng Charner, Nhà đèn Chợ Rẫy; Hãng xây cất Brossard Mopin, trong thợ thủ công, cắt tóc, kéo xe... Đặc biệt tại Sài Gòn, An Nam Cộng sản Đảng đã lập được Tổng Công hội Nam Kỳ bao gồm nhiều công hội xí nghiệp, công hội thợ thủ công.
Đến cuối năm 1929, nhiều chi bộ An Nam Cộng sản Đảng được tổ chức ở Cần Thơ, Sa Đéc. Tháng 1-1930, Ung Văn Khiêm trực tiếp đến Cà Mau, kết nạp 4 hội viên Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào An Nam Cộng sản Đảng. Các chi bộ ở Xiêm, Trung Kỳ cũng được thành lập.
Như vậy, sau khi Đại hội Hương Cảng bế mạc, các đại biểu Trung Kỳ, Nam Kỳ về nước, thì, một biến thiên đã diễn ra là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bị tan rã, không thể “duy trì” được theo quyết nghị của Đại hội. Lại không thể cộng tác được với phái Đông Dương Cộng sản Đảng, những người này chỉ còn một đường là lập ra một tổ chức cộng sản khác. Sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, đã tập hợp những đảng viên cũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên còn lại. Nhóm này cũng ra một bản tuyên ngôn chỉ trích nhóm Đông Dương Cộng sản Đảng và công bố Chính cương, Điều lệ, xuất bản tạp chí (Bônsơvích) làm cơ quan lý luận và huấn luyện đảng viên. An Nam Cộng sản Đảng có ảnh hưởng nhiều ở Nam Kỳ, nhưng không lan ra được Trung Kỳ và Bắc Kỳ. An Nam Cộng sản Đảng hoạt động cho đến đầu năm 1930 thì hợp nhất với các tổ chức cộng sản khác ở Việt Nam để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong một nước có 3 tổ chức cộng sản ảnh hưởng trong công nhân, nông dân, trí thức... thiếu sự nhất trí trong lãnh đạo, chỉ đạo, gây trở ngại cho phong trào cách mạng chung của cả nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam là phải có một chính đảng cộng sản của giai cấp công nhân thống nhất trong cả nước. Đúng lúc ấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đáp ứng được yêu cầu đó bằng việc thống nhất các tổ chức cộng sản trong cả nước lại, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Đến đây, 3 tổ chức cộng sản đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, tình nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.50.
[2] Theo một số tư liệu thành văn khác, Đảng Cộng sản được thành lập ngày 17-6-1929 được gọi ngay là Đảng Cộng sản Đông Dương
[3] Phạm Văn Đồng tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.48-49.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.339-340.
[5] Viện Lịch sử Đảng, Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.28.