Ăn mỡ lợn có tốt cho sức khỏe?

Nhiều người cho rằng ăn mỡ lợn là thủ phạm của bệnh tim mạch nên loại bỏ gia vị này ra khỏi gian bếp trong nhà, vậy ăn mỡ lợn có tốt không?

Thành phần của mỡ lợn

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, về dinh dưỡng, mỡ lợn có gần 1/4 lượng chất béo bão hòa và gấp đôi lượng chất béo không bão hòa đơn so với bơ.

Ví dụ, một thìa mỡ lợn có 5g chất béo bão hòa, 5,8g chất béo không bão hòa đơn và 1,4g chất béo không bão hòa đa. Để so sánh, một thìa bơ có 7,2g chất béo bão hòa, 3g chất béo không bão hòa đơn và 0,4g chất béo không bão hòa đa. Còn dầu ô liu 1,9g chất béo bão hòa, 9,9g chất béo không bão hòa đơn và 1,4g chất béo không bão hòa đa trong mỗi muỗng canh.

Giá trị dinh dưỡng trên 100 g mỡ lợn:

Năng lượng: 900,0 kcal
Carbohydrate: 0 g
Chất béo: 100g
Chất béo bão hòa: 39 g
Chất béo không bão hòa đơn: 45 g
Chất béo không bão hòa đa: 11 g
Protein: 0 g
Vitamin D (D2 + D3): 102 IU
Vitamin E: 0,6 mg
Cholesterol: 95 mg
Kẽm: 0,1 mg
Selen: 0,2 mg

Nhìn vào thành phần dinh dưỡng của mỡ lợn, sẽ thấy gồm cả chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa. Không chỉ mỡ lợn mà các chất béo như dầu ô liu hay dầu dừa cũng cần sự kết hợp của 3 loại chất béo trên. Trong số này, chất béo nào là "thủ phạm" khiến mỡ lợn bị nhiều người quay lưng?

Chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như thịt đỏ và sữa. Nó cũng được tìm thấy trong dừa, các sản phẩm từ dừa. Vì chất béo bão hòa có thể gây viêm và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên duy trì lượng chất béo bão hòa ở mức dưới 10% lượng calo hàng ngày.

Mỡ lợn rất tốt cho sức khỏe.

Mỡ lợn rất tốt cho sức khỏe.

Chất béo không bão hòa

Chất béo không bão hòa, ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng, được coi là chất béo có lợi vì chúng có thể cải thiện mức cholesterol trong máu, giảm viêm, ổn định nhịp tim và đóng một số vai trò có lợi khác. Chất béo không bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm từ thực vật, chẳng hạn như dầu thực vật, các loại hạt.

Chất béo không bão hòa đơn được tìm thấy với hàm lượng cao ở một số thực phẩm như dầu ô liu, đậu phộng, dầu hạt cải, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, quả phỉ, quả hồ đào, hạt bí ngô, hạt vừng).

Chất béo không bão hòa đa gồm acid béo Omega-3 và acid béo Omega-6. Chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, ngô, dầu cây rum, có nhiều trong quả óc chó, hạt lanh, hạt hướng dương; các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá hồi.

Ăn mỡ lợn có tốt không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, loại bỏ mỡ lợn ra khỏi thực đơn là sai lầm phổ biến của nhiều người trong những năm qua. So với dầu thực vật, mỡ lợn tham gia và sản xuất màng tế bào thần kinh, mỡ lợn ăn ở mức độ vừa phải cũng giúp bảo vệ thành mạch hiệu quả, giảm nguy cơ mắc tim mạch, nhồi máu cơ tim. Mỡ lợn còn giúp cơ thể tăng cường hấp thu vitamin A.

Thực phẩm này còn góp phần xây dựng tế bào não cho trẻ nhỏ. Một nghiên cứu cho rằng sử dụng mỡ lợn trong chế độ ăn cho trẻ nhỏ còn làm tăng cảm giác thèm ăn ngăn ngừa và điều trị chứng biếng ăn ở trẻ.

Khi chế biến, mỡ lợn chiên ở nhiệt độ cao không bị biến đổi thành các chất có hại như dầu ăn. Chất béo trong mỡ là chất axit béo không no, ít biến đổi thì sẽ ít tạo thành các chất gây ung thư hơn so với dầu ăn. Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo các món ăn ở nhiệt độ cao cần sử dụng mỡ lợn.

Ngoài ra, ăn mỡ không gây béo hơn dầu. Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, mỗi gram dầu và mỡ đều cung cấp 9 calo như nhau. Khi ăn kết hợp chất béo thực vật (dầu, vừng lạc) với chất béo động vật (mỡ, bơ) tạo nên sự hỗ trợ, cân đối trong bữa ăn. Không nên chỉ ăn hoàn toàn một loại chất béo nào. Lưu ý, chất béo đã qua sử dụng như chiên, rán nên bỏ đi, không nên tái sử dụng.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/an-mo-lon-co-tot-cho-suc-khoe-ar896231.html
Zalo