Ăn kẹo chocolate dạng bơm tiêm, bé trai ở TP HCM phải nhập viện
Bé trai 8 tuổi ở TP HCM ngậm hút kẹo chocolate thì bị sặc đầu ống bơm tiêm vào miệng khiến phổi phải bị xẹp, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da cổ 2 bên.
Theo Gia đình và Xã hội, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, vừa qua, các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhi bị hóc dị vật đường thở nguy hiểm do bất cẩn khi ăn kẹo socola dạng tiêm.
Người nhà cho biết, bệnh nhi là bé trai Nguyễn Ơn Thiên B. (8 tuổi, ngụ tại Bến Tre), cách nhập viện 2 ngày bé đang ăn kẹo chocolate dạng bơm tiêm, ngậm hút thì bị hít sặc đầu ống bơm tiêm vào miệng. Bé ho sặc sụa, không khó thở. Sau đó bé ho liên tục trong đêm. Bé được đưa đi khám tại bệnh viện địa phương, được chụp CT Scan ghi nhận dị vật hạ phân thùy dưới phổi phải, xẹp phổi phải, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da cổ 2 bên. Sau đó, bé được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau khi thăm khám, hình ảnh CT Scan, bác sĩ khoa Tai mũi họng nghi ngờ có dị vật trong đường thở nên quyết định soi đường thở cấp cứu. Nhờ sự phối hợp của ê kip phẫu thuật và gây mê giàu kinh nghiệm, BS CK1 Lý Phạm Hoàng Vinh (khoa Tai mũi họng, BV Nhi Đồng 1) đã soi đường thở gắp ra dị vật là 1 đầu ống nhựa khoảng 1cm ở thùy dưới phổi phải. Sau soi gắp dị vật, đường thở bé ổn, không chảy máu. Hiện tình trạng sức khỏe của bé ổn, không khó thở và ăn uống được.

Hình ảnh minh họa kẹo sô cô la dạng bơm tiêm.
Theo BS Vinh, trường hợp trẻ em sặc, hóc dị vật rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tràn khí, thậm chí tử vong. Do vậy, người nhà cần tiến hành sơ cứu ngay với thủ thuật vỗ lưng ấn ngực ở trẻ nhỏ và thủ thuật Heimlich ở trẻ lớn. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Ngoài ra, cần tránh cho các bé ăn những loại đồ chơi kẹo có nguy cơ hít sặc cao như loại kẹo chocolate dạng bơm tiêm này.
Theo báo Nhân dân, không may mắn như trường hợp trên, bé V.A (7 tuổi, ở Bắc Kạn) ngậm nắp bút vào miệng khi đang học trong lớp và vô tình bị nuốt đầu bút vào đường thở. Sau đó trẻ ho, khó thở và đau ngực. Ngay lập tức, trẻ được giáo viên đưa đến phòng y tế của trường học để sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển đến trung tâm y tế địa phương.
Trên đường đi, trẻ xuất hiện ngừng thở, ngừng tim, phải cấp cứu hồi sinh tim phổi liên tục trên đường chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, trẻ tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên do tổn thương não vì tình trạng thiếu oxy, trẻ xuất hiện nhiều cơn co giật liên tục, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc cho biết, trẻ vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Trẻ được bóp bóng qua nội khí quản, được duy trì thuốc trợ tim liên tục để bảo đảm nhịp tim và huyết áp, hôn mê sâu, co giật liên tục.
Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, bồi phục khối lượng tuần hoàn, duy trì vận mạch, điều trị chống phù não, an thần tại các đơn vị cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ đã được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Tùng Lâm, Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, cho biết, dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, có kích thước khoảng 0,5*0,8 cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy.
Rất đáng tiếc, dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực, nhưng do thời gian ngừng tim, ngừng thở quá lâu, tổn thương não không hồi phục, bệnh nhi đã tử vong sau 4 ngày điều trị.
Bác sĩ lưu ý các bậc cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc dị vật, không gây nôn hoặc cho ăn uống. Nếu trẻ vẫn tỉnh, ho có hiệu quả cần động viên trẻ ho. Ho tự nhiên có hiệu quả hơn bất kỳ biện pháp can thiệp vật lý nào khác. Các biện pháp vật lý (vỗ lưng, ấn ngực, Heimlich) chỉ được thực hiện khi trẻ không ho được, ho không hiệu quả và khó thở tăng dần.
Để phòng tránh tai nạn hóc dị vật cho trẻ cần chú ý: Người lớn phải thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn không nên chủ quan, phải giám sát chặt chẽ; Để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ, tròn, trơn hoặc đầu nhọn như: đinh, ốc vít, bút, đồng xu, pin, kim, tăm…
Hướng dẫn cho trẻ không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút; Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc và không nên nô đùa trong khi ăn, đặc biệt khi trẻ có thức ăn trong miệng; Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, hướng dương, chôm chôm,…; Tập cho trẻ kỹ năng nhai kỹ, nuốt chậm.