'Ăn' đồng nghĩa với 'uống'

Một chương trình trò chơi về tiếng Việt đưa ra yêu cầu 'Hãy tìm hai từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với từ 'ăn'.

Người chơi đưa ra từ “uống”, nhưng cả 3 vị cố vấn của chương trình lần lượt lắc đầu “Không đồng ý”.

Thực ra, ban cố vấn đã sai khi không chấp nhận từ “uống” đồng nghĩa với “ăn” mà người chơi đưa ra.

Đại Nam quấc âm tự vị và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) có thu thập chữ “ăn” đồng nghĩa với “hút”. Trích lần lượt: “ăn thuốc : Hút thuốc thường, hoặc hút nha phiến. Tiếng nói: người có ăn thuốc, thì hiểu là người có hút nha phiến”; “ăn 2: nhai trầu hoặc hút thuốc. ăn một miếng trầu ~ châm đóm ăn thuốc lào”.

Tuy nhiên, từ “ăn” (phương ngữ, ví như Thanh Hóa), ngoài đồng nghĩa với “hút”, còn được dùng như “uống”. Một số vùng ở Thanh Hóa (như Quảng Xương, Tĩnh Gia cũ) hiện vẫn có người nói “ăn một miếng nước” thay vì “uống một ngụm nước” (Đợi tau ăn miếng nước đã rồi hẵng đi); “ăn thuốc” thay vì “uống thuốc” (Đã ăn mấy viên thuốc đau bụng rồi mà chưa thấy đã); “ăn một điếu thuốc lào” thay vì “hút một điếu thuốc lào” (ví dụ Ăn thử một điếu coi có ngon không).

Tham khảo: Điều thú vị, là ở Thanh Hóa còn có từ “tiêu” đồng nghĩa với “ăn”, “uống”, như “tiêu thuốc” có nghĩa là “ăn thuốc”, “uống thuốc” (dùng trong trường hợp thuốc viên, bỏ vào miệng, không nhai mà nuốt trôi kèm với nước). Ví dụ Sáng đến chừ đã tiêu thuốc chưa? Thuốc này tiêu với cái chi, tiêu một lần mấy viên?

Từ ngữ cổ cũng giống như công cụ lao động buổi chưa được chuyên môn hóa. Trước khi sinh ra dao phay, liềm, hái, câu liêm,... thì một mình con rựa cò đảm nhận tất tần tật từ chặt, đẽo, thái, gọt, cho đến đào bới, đâm, chém, cắt, cứa, giật, kéo, lôi,... Trước khi có uống, hút, chén, xơi,... thì một mình “ăn” cáng đáng hầu như tất cả nghĩa chỉ về việc đưa đồ ăn thức uống vào cơ thể.

Trường hợp của “cắn” cũng tương tự như “ăn”. “Cắn” từng phải một mình gánh hàng loạt nghĩa, bao gồm đớp, sủa, kêu, hót, gáy,... “Kha cỏ cằn bứng máng, tràng bứng mếnh” nghĩa là Gà nhà người gáy sáng mường nhà ta - Tục ngữ Mường (chữ “cằn” đây chính là cắn = gáy). “Kha cắn trốc” nghĩa là Gà gáy đầu (Gà gáy canh đầu, canh Một - phương ngữ Thanh Hóa). Ở đây ta còn thấy chữ “trốc” vừa có nghĩa là “đầu” (như trốc cún = đầu gối), vừa có nghĩa là trước nhất, đầu tiên.

Cũng cần nói thêm, Chương trình giải trí về tiếng Việt đưa ra câu hỏi về từ “ăn” nhưng lại không nêu cụ thể “ăn” thuộc nghĩa nào trong số 14 nghĩa mà Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex) đã nêu. Ví dụ đồng nghĩa với “ăn” là “dính”, “bám” (Hồ dán không ăn), “gắn chặt” (Vữa và gạch không ăn với nhau). Hay “ăn” đồng nghĩa “chịu”, “nhận” (Ăn một trận đòn; Ăn một cái tát),... Nếu người chơi tinh ý sẽ có phản biện ngay, còn không, sẽ lúng túng, hoang mang về đề bài mà chương trình nêu ra.

Trở lại với từ “ăn” trong ăn uống.

Xét từ góc độ phương ngữ, thì “uống” đồng nghĩa với “ăn” - một hiện tượng thú vị về sự rơi rớt nghĩa cổ của từ. Đáng lẽ Vua Tiếng Việt phải là người có kiến thức sâu rộng về tiếng Việt để làm sống lại những nghĩa này, qua đó đem đến sự thú vị cho khán giả, làm cho bạn xem truyền hình thêm yêu tiếng mẹ đẻ. Thế nhưng, cả ban cố vấn lẫn người dẫn chương trình đều không biết đến, thì làm sao có thể dẫn dắt được người chơi, trong khi người chơi có lẽ lại không đủ tự tin để phản biện.

Lỗi này thuộc về cả ban cố vấn cho Vua Tiếng Việt, nhưng chúng tôi xếp vào mục PGS.TS Phạm Văn Tình, bởi về mặt chuyên môn, ông là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về sai sót này.

Hoàng Trinh Sơn (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-dong-nghia-voi-uong-247536.htm
Zalo