Ấn Độ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam

7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 8.685 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch đạt 41,9 triệu USD, trong đó Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính.

Báo Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu được 1.662 tấn hoa hồi, kim ngạch đạt 7,8 triệu USD, so với tháng 6 lượng xuất khẩu tăng 7,4%.

Thị trường xuất khẩu hoa hồi chủ yếu là Ấn Độ đạt 1.062 tấn, chiếm 63,9%, trong khi đó Prosi Thăng Long vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu đạt 309 tấn, chiếm 18,6% và tăng 45,1% so với tháng trước.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 8.685 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 5,1% tuy nhiên kim ngạch lại giảm 17,1%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long: 1.586 tấn, tăng 15,6%; Tuấn Minh: 485 tấn, tăng 25%; Nedspice Việt Nam: 482 tấn giảm 42,9% Senspices Việt Nam: 345 tấn, tăng 39,7% và Hồng Sơn Việt Nam 308 tấn, tăng 0,3%.

Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam chiếm 63,0%, đạt 5.472 tấn và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ: 601 tấn, tăng 7,9%; Đài Loan (Trung Quốc) : 276 tấn, tăng 228,6%; Trung Quốc: 259 tấn, giảm 63,4%.

Theo VietNamNet, nước ta được thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều loại cây gia vị như hồ tiêu, ớt, quế, hồi,… với kim ngạch xuất khẩu thu về hàng tỷ USD mỗi năm, trong đó hoa hồi được coi là "báu vật" trời ban.

Việt Nam xuất khẩu hơn 5.400 tấn hoa hồi sang thị trường Ấn Độ. Ảnh minh họa.

Việt Nam xuất khẩu hơn 5.400 tấn hoa hồi sang thị trường Ấn Độ. Ảnh minh họa.

Sở dĩ cây hồi được coi như "báu vật" vì đây là loài cây bản địa mà rất ít quốc gia trên thế giới có thể trồng được. Thực tế, hầu như cây hồi chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc. Mỗi năm, chỉ thu hoạch được 2 vụ hoa hồi.

Số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 16.136 tấn hoa hồi, tăng 26% so với năm 2022, thu về 83 triệu USD. Theo VPA, giá xuất khẩu bình quân của hoa hồi trong năm 2023 đạt 6.376 USD/tấn, giảm 8% so với năm 2022.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, ước đạt 7.860 tấn (chiếm 48,7%) và 4.116 tấn (chiếm 25,5%).

Còn theo dữ liệu của Công ty Tridge thì Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ hiện là những nhà cung cấp hoa hồi thống trị trên toàn thế giới. Trong đó, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có thể sản xuất với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi.

Cây hồi có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, xuất hiện nhiều tại vùng Đông Bắc của Việt Nam và phía Nam của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn.

Trong đó, Lạng Sơn được mệnh danh "thủ phủ" của cây hồi của nước ta. Hồi ở Lạng Sơn được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu hồi tại Lạng Sơn.

Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hồi là một cây gỗ nhỡ, cao từ 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng. Mỗi năm cây chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý.

Hoa hồi ra hoa hai lần trong 1 năm nhưng không có ranh giới rõ ràng. Vụ thứ nhất thường diễn ra vào tháng 6, gọi là hoa vụ tứ quý. Vụ thứ hai vào khoảng tháng 8-9, được gọi là vụ hồi mùa.

Thông thường, cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4-5 năm trồng và cho thu hoạch tới vài chục năm. Năng suất của cây hồi từ năm thứ 4-6 vào khoảng 0,5-1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi, cây hồi sẽ cho năng suất ổn định, lên tới 40-50 kg/cây.

Loại cây này không mất nhiều công chăm sóc, chỉ việc lấy hạt hoặc cây con cắm xuống đất rồi để cây tự lớn.

Thông thường, hoa hồi sẽ có 6-8 cánh, xếp thành hình cánh sao có đường kính từ 2,5-3cm, mỗi cánh mang bên trong một hạt nhỏ hình quả trứng nhẵn bóng. Phần lớn hoa hồi sau khi thu hoạch sẽ được mang đi phơi khô, sử dụng dưới dạng hoa khô, chỉ có một phần nhỏ được đem chế biến thành tinh dầu.

Hoa hồi được dùng phổ biến trong chế biến ẩm thực và được dùng làm thuốc chữa bệnh.

Theo Đông y, hoa hồi có vị ngọt, mùi thơm, tính cay, nóng. Hoa hồi có tác dụng chữa đau bụng, nôn mửa, cảm cúm...

Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu.

Loại hoa này có hương thơm đặc biệt hấp dẫn và được coi là gia vị không thể thiếu trong nền ẩm thực của cả phương Đông lẫn phương Tây.

Tại phương Tây, dầu sản xuất bằng cách chưng cất hoa hồi thường được cho vào một số loại rượu vang. Đây cũng là một loại hương vị trong các món tráng miệng và món nướng. Còn tại Việt Nam, hoa hồi được dùng làm gia vị cho các món phở, cà ri, súp, hầm…

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-do-van-la-thi-truong-xuat-khau-chinh-cua-hoa-hoi-viet-nam-204240810084352452.htm
Zalo