Ấn Độ và Pakistan phô trương sức mạnh hải quân khi căng thẳng hạt nhân gia tăng

Theo truyền thông Ấn Độ, Hải quân nước này đang tiến hành tập trận ở Biển Ả Rập, tại một khu vực cách nơi hải quân Pakistan đang tập trận chưa đầy 100 dặm.

Cuộc thử nghiệm tên lửa của Hải quân Ấn Độ.

Cuộc thử nghiệm tên lửa của Hải quân Ấn Độ.

Căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan đang làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa hai quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân sau vụ tấn công vào khách du lịch ở Kashmir khiến 26 người thiệt mạng, chủ yếu là công dân Ấn Độ. Ấn Độ cáo buộc Pakistan về vụ tấn công, nhưng nước này đã phủ nhận mọi trách nhiệm.

Mỹ đã kêu gọi cả hai nước kiềm chế leo thang căng thẳng vì lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh giữa hai nước, mỗi nước sở hữu khoảng 200 đầu đạn hạt nhân.

Hải quân Ấn Độ đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển Gujarat, chỉ cách nơi Pakistan đang tổ chức cuộc tập trận hải quân ở Biển Ả Rập 85 hải lý, theo tờ India Today trích dẫn các nguồn tin quốc phòng giấu tên.

Hãng thông tấn Ấn Độ ANI đưa tin: "Theo nguồn tin quốc phòng, các tàu chiến đang trong tình trạng báo động cao, với nhiều cuộc tập trận chống hạm và phòng không được thực hiện để chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu và ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng trong khu vực."

Các cuộc tập trận gần đây làm nổi bật năng lực quân sự của Ấn Độ, vượt trội đáng kể so với Pakistan về quy mô hạm đội, công nghệ tàu chiến và phạm vi giám sát hàng hải. Hải quân Ấn Độ cũng đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm tên lửa hải quân gần đây.

Ấn Độ mô tả vụ tấn công ngày 22/4 tại Pahalgam là một vụ tấn công khủng bố, cáo buộc Pakistan đứng sau vụ việc, điều mà nước này đã phủ nhận. Mặt trận Kháng chiến, một nhánh của tổ chức Lashkar-e-Taiba tại Pakistan, đã nhận trách nhiệm về vụ việc.

Các quan chức Pakistan cho biết Ấn Độ có thể đang chuẩn bị cho hành động quân sự. Đồng thời khẳng định bất kỳ hành động quân sự nào của Ấn Độ cũng có thể gây ra một cuộc xung đột rộng lớn. Pakistan cho biết họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ khi có mối đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của họ.

Mặc dù nguy cơ xảy ra xung đột lớn là rất cao, cả hai nước đều hiểu được hậu quả tiềm tàng nếu một cuộc chiến tranh nổ ra.

TD

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-do-va-pakistan-pho-truong-suc-manh-hai-quan-khi-cang-thang-hat-nhan-gia-tang-247432.htm
Zalo