Ấn Độ trước phép thử chiến lược khi Mỹ đề xuất trung gian hòa giải tại Kashmir

Tranh chấp âm ỉ suốt nhiều thập kỷ giữa Ấn Độ và Pakistan tại vùng Kashmir đã bất ngờ trở thành tâm điểm dư luận quốc tế khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải.

Sự phát triển nhanh chóng của Ấn Độ lên vị trí nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đã mang lại cho nước này sự tự tin và ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực – từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka cho đến thiên tai tại Myanmar. Tuy nhiên, tranh chấp Kashmir vốn âm ỉ từ nhiều thập kỷ vẫn là điểm nhạy cảm sâu sắc trong chính trị nội bộ của Ấn Độ.

Cuộc đụng độ gần đây giữa Ấn Độ - Pakistan với các cuộc không kích, giao tranh bằng máy bay không người lái và tên lửa khiến ít nhất 66 người thiệt mạng, đã đưa quan hệ song phương đến bờ vực chiến tranh toàn diện. Trong bối cảnh đó, việc ông Trump bất ngờ đề xuất đứng ra làm trung gian lại đặt ra bài toán mới cho New Delhi: vừa tìm kiếm lợi ích thương mại từ Washington, vừa bảo vệ lập trường cứng rắn đối với Kashmir.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Chuyên gia khu vực Nam Á Michael Kugelman từ Washington nhận định rằng lệnh ngừng bắn lần này được “chắp vá một cách vội vã” trong bối cảnh hai bên tiến sát bờ vực chiến tranh toàn diện. Trong tuyên bố được đưa ra ngày 11/5 sau lệnh ngừng bắn, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ “tăng cường hợp tác thương mại đáng kể với hai quốc gia tuyệt vời này”. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn giữ im lặng, không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào công khai liên quan đến cuộc xung đột.

Động thái mới của Tổng thống Donald Trump không chỉ đẩy quan hệ New Delhi – Washington vào tình thế khó, mà còn thử thách tham vọng của Ấn Độ trong việc khẳng định vai trò một cường quốc ngoại giao toàn cầu.

Xung đột Kashmir: Điểm nóng truyền kiếp trong quan hệ Ấn – Pakistan

Kashmir từ lâu đã là một trong những điểm nóng phức tạp và dai dẳng nhất châu Á. Kể từ năm 1947, khi Ấn Độ và Pakistan giành độc lập khỏi Anh, khu vực này đã chứng kiến hai cuộc chiến tranh toàn diện và nhiều cuộc đụng độ vũ trang. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền toàn phần với vùng lãnh thổ này, trong khi thực tế chia cắt kiểm soát thành hai phần, với ranh giới do quân đội kiểm soát gọi là Đường Ranh giới Kiểm soát (LoC).

Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn các nhóm phiến quân gây bất ổn tại Kashmir, điều mà Islamabad nhiều lần phủ nhận. Mỗi khi căng thẳng bùng phát, nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lại khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Ấn Độ Brahma Chellaney cảnh báo rằng việc kết thúc chiến dịch quân sự chỉ sau ba ngày “theo đề xuất của Mỹ” sẽ khiến dư luận quốc tế tập trung vào tranh chấp Kashmir thay vì lên án “khủng bố xuyên biên giới” từ Pakistan – điều mà Ấn Độ coi là nguồn gốc của khủng hoảng hiện nay.

Tham vọng ngoại giao toàn cầu và giới hạn khu vực

Từ lâu, phương Tây từng nhìn nhận Ấn Độ và Pakistan như hai bên ngang hàng trong một cuộc xung đột triền miên. Nhưng điều này đã thay đổi trong những thập niên gần đây, khi Ấn Độ vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, còn Pakistan vẫn lún sâu trong khủng hoảng với nền kinh tế chỉ bằng một phần mười quy mô của nước láng giềng.

Tuy nhiên đề xuất làm trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện ý định xúc tiến một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Kashmir cùng tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio rằng Ấn Độ và Pakistan sẽ khởi động đàm phán tại một địa điểm trung lập đã khiến cho người dân Ấn Độ tỏ ra bất bình. Trong khi phía Pakistan nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn đến Washington thì phía Ấn Độ lại chưa từng công nhận bất kỳ vai trò trung gian nào và khẳng định lệnh ngừng bắn là kết quả từ thỏa thuận song phương.

Một số nhà phân tích và các đảng đối lập tại Ấn Độ đã bắt đầu chất vấn về mục tiêu chiến lược thực sự của New Delhi khi phóng tên lửa vào Pakistan ngày 7/5 vừa qua – hành động mà chính phủ Ấn Độ tuyên bố là nhằm đáp trả vụ tấn công khiến 26 du khách thiệt mạng tại Kashmir. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan song Islamabad đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.

Ấn Độ tiến hành "chiến dịch Sindoor" nhằm không kích 9 "cơ sở khủng bố" ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý. Ảnh: Reuters

Ấn Độ tiến hành "chiến dịch Sindoor" nhằm không kích 9 "cơ sở khủng bố" ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý. Ảnh: Reuters

Bằng việc cho phép quân đội tấn công vào trong lãnh thổ đối phương cho thấy Thủ tướng Modi đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn nhiều so với các chính phủ tiền nhiệm. Nhưng với lệnh ngừng bắn bất ngờ lại khiến ông phải đối mặt với làn sóng chỉ trích hiếm hoi từ chính quốc gia của mình.

Quyết định ngừng bắn nhanh chóng cũng gây ra làn sóng tranh cãi tại Ấn Độ khi mà cựu nghị sĩ Swapan Dasgupta – người từng thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông Modi – thừa nhận rằng sự can thiệp đột ngột của ông Trump khiến nhiều người cảm thấy khó chấp nhận. Trong khi đó, đảng đối lập Quốc Đại không bỏ lỡ cơ hội chất vấn chính phủ, đòi hỏi làm rõ các tuyên bố được đưa ra từ Washington D.C., và đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta đã vô tình để ngỏ khả năng trung gian từ bên ngoài?”

Những điểm nóng còn bỏ ngỏ: Nguy cơ bùng phát trở lại

Dù chiến sự đã tạm lắng nhưng quan hệ giữa hai quốc gia vẫn còn nhiều điểm nóng có thể khiến căng thẳng bùng phát trở lại. Trong đó, nổi bật là Hiệp ước Nước sông Ấn – một hiệp định chia sẻ nguồn nước được ký từ năm 1960, vốn mang tính sống còn với ngành nông nghiệp và năng lượng thủy điện của Pakistan. Việc Ấn Độ tạm ngừng thực hiện hiệp ước này hồi tháng 4 càng làm gia tăng nguy cơ căng thẳng.

Ông Bilawal Bhutto Zardari Chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan nhận định: “Pakistan đồng ý ngừng bắn chỉ khi có được cam kết từ phía Mỹ về việc mở ra một cuộc đối thoại toàn diện”.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Pakistan Moeed Yusuf thì cho rằng: “Muốn phá vỡ vòng luẩn quẩn về Kashmir, cần có một thỏa thuận toàn diện. Nếu không, cứ mỗi sáu tháng, một năm hay vài năm, căng thẳng sẽ lại leo thang, và chúng ta lại đứng trước nguy cơ chiến tranh trong môi trường hạt nhân.”

Sự kiện Kashmir một lần nữa phơi bày những thách thức đan xen giữa chủ quyền, chiến lược và đối ngoại trong chính sách của Ấn Độ khi ông Trump đề xuất làm trung gian. Trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ phải thể hiện sự khéo léo ngoại giao chưa từng có khi phải vừa duy trì nguyên tắc bất di bất dịch về Kashmir lại vừa không để mất đi sự hậu thuẫn từ các đối tác lớn. Đây chính là bài kiểm tra thực sự cho bản lĩnh cường quốc mà New Delhi đang theo đuổi.

Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/an-do-truoc-phep-thu-chien-luoc-khi-my-de-xuat-trung-gian-hoa-giai-tai-kashmir-post1198843.vov
Zalo