Ấn Độ tấn công tên lửa vào Pakistan: Islamabad thông báo thương vong, Mỹ-LHQ ra mặt kêu gọi giảm nhiệt, Thủ tướng Modi hạ lệnh nóng

Ngày 7/5, quân đội Pakistan xác nhận ít nhất 8 dân thường đã thiệt mạng, 35 người khác đã bị thương và 2 người vẫn đang mất tích sau vụ tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ vào rạng sáng, nhằm vào loạt địa điểm tại nước này.

Ấn Độ-Pakistan đang căng thẳng đỉnh điểm với cuộc tấn công tên lửa của New Delhi vào quốc gia láng giềng. (Nguồn: Vocal Media)

Ấn Độ-Pakistan đang căng thẳng đỉnh điểm với cuộc tấn công tên lửa của New Delhi vào quốc gia láng giềng. (Nguồn: Vocal Media)

Theo Tân hoa xã, nguồn tin từ quân đội Pakistan cho biết, lực lượng không quân nước này đã bắn hạ 3 tiêm kích của Ấn Độ tại nhiều địa điểm để đáp trả vụ tấn công của New Delhi.

Trong khi đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Washington cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval đã liên lạc với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio để thông báo về vụ việc, đồng thời nói rõ, không có mục tiêu dân sự, kinh tế hay quân sự nào của Pakistan bị tấn công mà "chỉ có các khu trại khủng bố đã được xác định" là mục tiêu.

Theo một nguồn tin, quan chức Ấn Độ cũng đã liên lạc với đại diện Mỹ, Nga, Anh, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để thông báo về các biện pháp đã thực hiện với Pakistan.

Động thái diễn ra khi rạng sáng ngày 7/5, Lực lượng vũ trang Ấn Độ thông báo phát động “Chiến dịch Sindoor”, không kích 9 địa điểm tại Pakistan và khu vực Jammu và Kashmir do Islamabad quản lý (PoJK), mà New Delhi cáo buộc là các "trại khủng bố" nhằm mục đích vô hiệu hóa những trại này.

Chiến dịch được thực hiện chỉ vài ngày sau vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam, khiến 25 công dân Ấn Độ và 1 công dân Nepal thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan và đã đình chỉ một phần “Hiệp ước Nước sông Ấn” mà hai nước ký năm 1960 cùng nhiều hành động cứng rắn khác. Islamabad bác bỏ cáo buộc, cảnh báo rằng việc can thiệp vào các con sông sẽ bị coi là "một hành động xung đột".

Bất chấp cảnh báo trên, mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, nguồn nước từ đất nước này từng chảy qua biên giới ra bên ngoài sẽ bị chặn lại "vì lợi ích quốc gia và sẽ được sử dụng cho quốc gia". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những đập hiện có của Ấn Độ không có khả năng chặn hoặc chuyển hướng nước mà chỉ có thể điều chỉnh thời gian xả dòng chảy.

Trước tình hình leo thang căng thẳng trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các bên nhanh chóng chấm dứt các hành động thù địch, lưu ý rằng diễn biến mới đã được dự đoán. "Tôi đoán mọi người đều đã biết có điều gì đó sẽ xảy ra dựa trên quá khứ. Họ đã giao tranh từ nhiều thập kỷ và thế kỷ, nếu bạn thực sự suy nghĩ về điều đó. Tôi hy vọng tình trạng này sẽ kết thúc rất nhanh chóng", ông nói.

Trong một tuyên bố gửi tới hãng tin ANI, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ viết: "Chúng tôi đã biết thông tin, song không có đánh giá ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi đang theo dõi sát các diễn biến".

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi quân đội Ấn Độ và Pakistan “kiềm chế quân sự tối đa”, nhấn mạnh thế giới không thể để một cuộc xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân trở thành hiện thực.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-tan-cong-ten-lua-vao-pakistan-islamabad-thong-bao-thuong-vong-my-lhq-ra-mat-keu-goi-giam-nhiet-thu-tuong-modi-ha-lenh-nong-313498.html
Zalo