Ấn Độ sẽ lựa chọn Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ?

Câu hỏi về lựa chọn giữa Su-57 hay F-35 phức tạp hơn nhiều vì các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn không bao giờ chỉ dựa vào đặc tính kỹ thuật. Các yếu tố địa chính trị thường đóng vai trò chủ quan trong quá trình ra quyết định.

Su-57 của Nga hay F-35 của Mỹ sẽ phù hợp với Không quân Ấn Độ hơn về mặt kỹ thuật? Đó là một câu hỏi khó vì 2 chiếc máy bay được thiết kế cho những nhiệm vụ khác nhau và trong bối cảnh kinh tế, công nghiệp khác nhau.

Câu trả lời đúng duy nhất có lẽ là: Su-57 phù hợp với nhu cầu của Nga, trong khi F-35 được thiết kế phù hợp với yêu cầu của Mỹ.

Tiêm kích Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ cùng tham gia triển lãm hàng không Aero India 2025 tại Yelahanka, Bengaluru, Karnataka, Ấn Độ. Ảnh: Getty

Tiêm kích Su-57 của Nga và F-35 của Mỹ cùng tham gia triển lãm hàng không Aero India 2025 tại Yelahanka, Bengaluru, Karnataka, Ấn Độ. Ảnh: Getty

Trên thực tế, câu hỏi về lựa chọn giữa Su-57 hay F-35 phức tạp hơn nhiều vì các hợp đồng mua sắm vũ khí lớn không bao giờ chỉ dựa vào các yếu tố kỹ thuật. Các yếu tố địa chính trị thường đóng vai trò chủ quan trong quá trình ra quyết định.

Các áp lực địa chính trị trước đây thường rất kín đáo và tế nhị. Tuy nhiên, ngày nay, các nhà lãnh đạo như Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể công khai cảnh báo Ấn Độ rằng: “Nếu các vị mua Su-57, chúng tôi sẽ áp đặt trừng phạt rộng rãi”. Vì lý do này, những so sánh giữa Su-57 và F-35 sẽ chỉ giới hạn ở khía cạnh kỹ thuật.

Mặc dù cả Su-57 và F-35 đều là máy bay tàng hình, nhưng chúng có các vai trò hoạt động khác nhau. Mỗi máy bay được tối ưu hóa cho vai trò riêng, vì vậy để biết tiêm kích nào phù sẽ là lựa chọn phù hợp với New Delhi, cần phải trả lời câu hỏi: Máy bay tàng hình nào có vai trò hoạt động phù hợp với yêu cầu của không quân Ấn Độ hơn?

Vì “Atmanirbharata” (tự lực) trong sản xuất quốc phòng là một trong ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ, cũng cần phải xem Su-57 hay F-35 phù hợp hơn về mặt ngân sách cũng như sản xuất trong nước và tiếp thu công nghệ.

Về vai trò hoạt động

Chiến lược quốc phòng của Mỹ được xây dựng trên quan điểm rằng “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”. Ngược lại, Nga - một cường quốc kinh tế nhỏ hơn, phụ thuộc nhiều hơn vào chiến lược phòng thủ chi phí thấp và bất đối xứng.

Với diện tích lãnh thổ rộng lớn, dân số hạn chế, biên giới đất liền và trên biển dài, các nước láng giềng thù địch ở tất cả các hướng, Nga đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình.

Nga ưu tiên phòng thủ trên không hơn là các cuộc tấn công tầm xa. Họ triển khai các hệ thống phòng không đa lớp có khả năng bắn hạ máy bay đối phương xâm nhập vào không phận của mình.

Su-57, với khả năng tàng hình hạn chế, được tối ưu hóa cho phòng thủ và các cuộc tấn công tầm ngắn từ trong không phận Nga, nhằm chặn các cuộc tấn công trên bộ của các đối thủ dọc biên giới.

Mặt khác, Mỹ và các đồng minh phương Tây ưu tiên các cuộc tấn công tầm xa qua trên phận tranh chấp hơn là phòng thủ trên không.

F-35 được thiết kế để xâm nhập không phận tranh chấp và phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương. Nói đơn giản, F-35 được thiết kế để xuyên thủng mạng lưới phòng không đa lớp của Nga, trong khi Su-57 được thiết kế để chặn các máy bay F-35 đang cố xâm nhập vào không phận Nga và ngăn chặn bước tiến của đối phương dọc biên giới Nga.

Tính năng tàng hình của Su-57 và F-35

Su-57 có diện tích phản xạ radar (RCS) ước tính từ 0,1 đến 0,5 mét vuông, lớn hơn đáng kể so với RCS của F-35, chỉ là 0,0015 mét vuông.

F-35 có tàng hình toàn diện, có nghĩa là các radar mặt đất, dù đặt ở trước, sau hay bên cạnh, đều gặp khó khăn trong việc phát hiện F-35 kịp thời để có thể tấn công hiệu quả bằng các hệ thống phòng không.

Ngược lại, Su-57 mạnh về tàng hình mạnh ở phía trước nhưng tàng hình toàn diện thấp hơn nhiều so với F-35. Khi bay đối diện, như khi chặn một chiến đấu cơ xâm nhập, Su-57 có thể tiếp cận F-35 mà không bị phát hiện và tấn công ở cự ly gần.

Tuy nhiên, nếu Su-57 xâm nhập vào không phận tranh chấp, nó sẽ không bị phát hiện ở khoảng cách xa, nhưng sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ngày càng đến gần mục tiêu và như vậy là các radar và hệ thống phòng không đối phương vẫn có đủ thời gian để ra đòn tấn công nó.

Khả năng tấn công và phòng thủ

Khả năng đánh chặn phòng thủ của Su-57 dựa trên bộ radar cảm biến mạnh mẽ và tiên tiến hơn so với F-35.

Su-57 được trang bị 5 radar: 3 radar AESA băng tần X (một ở mũi và hai ở bên) và 2 radar băng tần L được tích hợp vào các phần mở rộng gốc cánh (LEX).

Bằng cách kết hợp dữ liệu từ 3 radar AESA băng tần X, 2 radar AESA băng tần L cùng hệ thống IRST, Su-57 có thể theo dõi F-35 ở khoảng cách xa hơn nhiều so với việc sử dụng một radar AESA băng tần X duy nhất.

Thêm vào đó, Nga đã cải tiến khả năng chặn máy bay tàng hình của Su-57 bằng cách triển khai radar mặt đất băng tần UHF và VHF có thể phát hiện sự hiện diện của các máy bay tàng hình toàn diện và hướng dẫn Su-57 đến khu vực mục tiêu.

Trong khi đó, F-35 có thể xâm nhập không phận tranh chấp để xác định và nhận diện mục tiêu của kẻ thù mà không bị phát hiện. Những mục tiêu này sau đó có thể bị tấn công bằng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 từ ngoài không phận tranh chấp, sử dụng vũ khí tầm xa.

F-35 cũng có thể tấn công mục tiêu mặt đất trong không phận tranh chấp bằng vũ khí không đối đất mang theo trong hai khoang vũ khí bên trong, nhưng khả năng này tương đối hạn chế.

Ngược lại, Su-57 được thiết kế để đánh chặn các máy bay tàng hình như F-35 đang cố xâm nhập không phận; tấn công các mục tiêu mặt đất trong không phận thân thiện ngoài tầm radar của đối phương.

Gần đây, Nga đã nâng cao khả năng tấn công tầm xa của Su-57 bằng cách phát triển các tên lửa không đối đất tàng hình, tầm xa cho máy bay này.

Tiêm kích nào phù hợp với Không quân Ấn Độ?

F-35 đáp ứng hiệu quả yêu cầu hoạt động của Không quân Mỹ và các đồng minh NATO. Đây là một hệ thống vũ khí tấn công mạnh mẽ được thiết kế để xâm nhập không phận tranh chấp và thực hiện các cuộc tấn công chính xác.

Trong khi đó, Su-57 chủ yếu là một hệ thống vũ khí phòng thủ. Nó được thiết kế để răn đe và chặn các máy bay tàng hình xâm nhập vào không phận. Ngoài ra, Su-57 có thể tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương bằng cách đến gần chiến tuyến mà không bị phát hiện và phóng các tên lửa không đối đất tàng hình hoặc tên lửa siêu thanh.

Do không quá tập trung vào tính năng tàng hình ở mức độ như F-35, Nga đã giảm đáng kể chi phí phát triển và vận hành của Su-57. Chi phí sản xuất một chiếc Su-57 ước tính thấp hơn từ 50% đến 70% so với F-35. Tương tự, chi phí vận hành của Su-57 cũng được cho là thấp hơn nhiều so với đối thủ Mỹ.

Các máy bay tàng hình cao cấp như F-35 thường có thời gian quay vòng giữa các chuyến bay lâu hơn so với các máy bay tàng hình mức độ hạn chế như Su-57. Do Su-57 có thể bay nhiều lượt hơn mỗi ngày so với F-35, nên hiệu quả về chi phí của tiêm kích Nga cao hơn so với tiêm kích Mỹ.

Khả năng chuyển giao công nghệ cũng là một yếu tố cần phải xét đến khi lựa chọn Su-57 hay F-35. Có một điều chắc chắn, F-35 của Mỹ sẽ không đi kèm với chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, chương trình F-35 sẽ có các điều kiện kèm theo, một trong số đó có thể là hạn chế hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga.

Với cùng một khoản chi, Ấn Độ có thể mua Su-57 với số lượng nhiều hơn đáng kể so với F-35, đồng thời hưởng lợi từ chi phí vận hành thấp hơn của tiêm kích Nga.

Về mặt phòng thủ không phận, Su-57 sẽ có hiệu quả tương đương F-35 trong việc đối phó với các máy bay tàng hình của đối phương. Thêm vào đó, một phi đội Su-57 lớn hơn trong biên chế cũng sẽ đảm bảo không quân Ấn Độ có khả năng tấn công tàng hình mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, nếu Không quân Ấn Độ ưa chuộng chiến lược “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”, sẵn sàng cho sự hiện diện của các khí tài Mỹ tại các căn cứ không quân của mình và xét đến nguy cơ trừng phạt của Mỹ trong tương lai, thì F-35 sẽ là lựa chọn tốt hơn.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Eurasian Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/an-do-se-lua-chon-su-57-cua-nga-hay-f-35-cua-my-post1153987.vov
Zalo