Ukraine nằm trên bàn cờ chiến lược của ông Trump nhằm đối phó Trung Quốc
Theo các nhà quan sát, một trong những lý do khiến Tổng thống Trump để mắt đến trữ lượng khoáng sản dồi dào của Ukraine là bởi điều này sẽ giúp Mỹ đảm bảo nguồn cung thay thế và giảm sự phụ thuộc về tài nguyên đất hiếm vào Trung Quốc - quốc gia mà Washington từ lâu coi là đối thủ nặng ký.
Khi thế giới đang mong chờ kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 3 năm ở Ukraine thì những bình luận mới nhất của ông Trump đã cho thấy, bất kể đó là kế hoạch gì, chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ sẽ có sự thay đổi đáng kể trong vòng 4 năm tới.
![Tổng thống Trump đang để mắt đến nguồn tài nguyên đất hiếm của Ukraine. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_65_51452845/828153fe65b08ceed5a1.jpg)
Tổng thống Trump đang để mắt đến nguồn tài nguyên đất hiếm của Ukraine. Ảnh minh họa
Chính sách viện trợ “có điều kiện” của ông Trump
Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng, dưới nhiệm kỳ của ông, sự hỗ trợ mà Washington dành cho bất kỳ quốc gia nào sẽ là sự hỗ trợ có điều kiện. Không có gói viện trợ quân sự hoặc kinh tế nào của Mỹ được thực hiện một chiều. Bên nhận viện trợ, dù là đồng minh hoặc đối tác, phải đóng góp vào an ninh, khả năng phục hồi kinh tế hoặc năng lực công nghiệp của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, theo nguyên tắc trên, mối quan hệ giữa Washington với phần còn lại của thế giới sẽ ngày càng mang tính giao dịch, trao đổi và Ukraine cũng không ngoại lệ. Nếu Kiev muốn nhận được hỗ trợ trong cuộc chiến với Nga, họ phải đầu tư vào tương lai của Mỹ bằng việc cho phép Washington tiếp cận các loại khoáng sản quý giá, vốn rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao của Mỹ.
Tổng thống Trump đã rất rõ ràng khi truyền tải thông điệp tới Ukraine rằng ông không giống người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Joe Biden - người đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ vô điều kiện, ước tính vào khoảng 300 tỷ USD, trong đó có 65,9 tỷ USD dành cho viện trợ quân sự kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông muốn Ukraine "trả phí cân bằng" với khoản hỗ trợ "gần 300 tỷ USD" của Washington.
"Ukraine có nguồn đất hiếm rất có giá trị. Chúng tôi đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Ukraine để họ đảm bảo trả cho những gì chúng tôi cung cấp bằng nguồn đất hiếm và những thứ khác mà họ có”.
Khoáng sản đất hiếm mà Tổng thống Trump nhắc đến là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học có giá trị có do các đặc tính từ tính và điện hóa riêng biệt của chúng. Những nguyên tố này được sử dụng trong sản xuất các thiết bị công nghệ như xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và nhiều thiết bị điện tử khác. Đất hiếm cũng được dùng trong y tế để chẩn đoán và điều trị một số bệnh như ung thư, sản xuất các thiết bị y tế, chẳng hạn như máy MRI, máy chụp X-quang. Hiện tại, Mỹ nhập khẩu hầu hết các loại khoáng sản này từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, Mỹ đã xác định 50 loại khoáng sản đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của nước này. Tuy vậy, Mỹ phụ thuộc 100% vào việc nhập khẩu 12 loại trong số này và phụ thuộc hơn 50% vào việc nhập khẩu 16 loại khác, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết.
Theo một số báo cáo, Ukraine có tới 22 loại khoáng sản trong số 50 vật liệu quan trọng trên. Đặc biệt, quốc gia này có trữ lượng than chì, lithium, titan, berili và Uranium rất lớn.
Trong đánh giá năm 2024, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính, thế giới có tới 110 triệu tấn khoáng sản đất hiếm, trong đó Trung Quốc có 44 triệu tấn, tiếp theo là Brazil với 22 triệu tấn, Việt Nam có 21 triệu tấn, Nga có 10 triệu tấn và Ấn Độ có 7 triệu tấn.
Tuy nhiên, việc khai thác hoặc chế xuất chúng không hề dễ dàng vì đòi hỏi phải sử dụng nhiều hóa chất, tạo ra số lượng lớn chất thải độc hại gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do chúng được tìm thấy ở dạng quặng nhỏ nên phải xử lý một lượng lớn đất đá để sản xuất sản phẩm tinh chế, thường ở dạng bột.
Chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong khai thác và chế xuất đất hiếm. Nhiều công ty thấy rằng việc vận chuyển quặng chưa qua chế biến của họ đến Trung Quốc để tinh chế rẻ hơn. Điều này càng làm gia tăng sự phụ thuộc của các nước khác vào Trung Quốc về nguồn đất hiếm.
Tuy vậy, Bắc Kinh được cho là đã nộp số lượng lớn bằng sáng chế về sản xuất các loại sản phẩm từ đất hiếm. Đây sẽ là trở ngại lớn đối với nhiều công ty ở các quốc gia khác vốn hy vọng sẽ triển khai hoạt động chế biến quy mô lớn. Trước bối cảnh này, việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo các nhà quan sát, việc Tổng thống Trump tập trung vào trữ lượng khoáng sản của Ukraine là điều dễ hiểu bởi điều đó sẽ giúp Mỹ đảm bảo nguồn cung thay thế và giảm sự phụ thuộc vào quốc gia mà Washington từ lâu coi là đối thủ nặng ký. Ngoài ra, kế hoạch đó cũng có thể gây tổn hại cho Nga, một đối thủ khác cũng đang dẫn đầu trong hoạt động sản xuất khoáng sản quan trọng.
Giới lãnh đạo ở Ukraine đã hoan nghênh các ý tưởng của ông Trump vì cho rằng việc khai thác khoáng sản với sự giúp đỡ của Mỹ sẽ đảm bảo cho Ukraine có nguồn thu nhập quan trọng. Điều này rất cần thiết vì Kiev sẽ phải đối mặt với thách thức tái thiết đất nước khi xung đột kết thúc và đề xuất của ông Trump sẽ giúp Ukraine sớm phục hồi kinh tế.
“Nhìn chung, đây là một tín hiệu tích cực”, ông Oleksandr Merezhko, người đứng đầu Ủy ban quan hệ đối ngoại tại Quốc hội Ukraine đánh giá. “Tổng thống Trump có lẽ bắt đầu lo ngại có nguy cơ các nguồn tài nguyên chiến lược của Ukraine vào tay Nga và đối tác chiến lược của nước này là Trung Quốc”.
Tổng thống Ukraine Zelensky cũng tuyên bố: “Ukraine cởi mở với khoản đầu tư từ các đối tác giúp chúng tôi bảo vệ đất nước và đẩy lùi đối phương bằng vũ khí, sự hiện diện và các gói trừng phạt của họ. Điều này hoàn toàn công bằng”.
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý. Nhiều nguồn tài nguyên hoặc khoáng sản mà ông Trump muốn tiếp cận tại Ukraine được cho là tập trung ở phía Đông và phía Nam nước này. Đây chính là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giao tranh. Nhiều nơi trong số đó hiện do quân đội Nga chiếm giữ. Vẫn chưa rõ Moscow có đồng ý trả lại nguồn tài nguyên này thông qua kế hoạch hòa bình của ông Trump hay không.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, dù kết quả ra sao, chính sách viện trợ “có đi có lại” của chính quyền ông Trump có thể được coi là sự thay đổi lớn so với chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ.
Ông Charlton Allen, người sáng lập Trung tâm Luật pháp & Tự do Madison lập luận rằng sự thay đổi cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump đánh dấu sự khởi đầu trong chính sách ngoại giao mới, theo đó sự hỗ trợ của Mỹ sẽ đi kèm với những điều kiện rõ ràng.
"Trong nhiều thập kỷ, chính sách đối ngoại của Mỹ được thực hiện theo khuôn mẫu của Kế hoạch Marshall, coi viện trợ là một hành động thiện chí một chiều và có rất ít mong được đền đáp lại ngoài những thiện chí về mặt ngoại giao. Cách tiếp cận của ông Trump đã đảo ngược mô hình đó. Các khoản viện trợ quân sự và tài chính trị giá hàng tỷ USD phải mang lại lợi thế chiến lược cho nước này, đặc biệt đối với an ninh và khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ”, ông Charlton Allen nhấn mạnh.