Ấn Độ, một lần đến

Tôi sang Ấn Độ vào những ngày đầu năm. Lòng hơi ngơ ngẩn tiếc vì quê hương Kinh Bắc đang vào mùa lễ hội. Bù lại, Thủ đô New Delhi đón chúng tôi với nắng ấm mùa xuân và ngàn sắc cỏ hoa rực rỡ. Khác hẳn với thời tiết mưa phùn, nồm ẩm ở quê nhà.

Viếng Bác ở Thủ đô New Delhi

Ngày đầu tiên ở Thủ đô New Delhi, tôi và người thân trong gia đình đã tới viếng Bác ở Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên G20 cạnh đường Kautilya Marg, cách Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ không xa. Nơi đây được coi là vị trí trung tâm của New Delhi. Điều đó cho thấy Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam một sự kính trọng đặc biệt. Bức tượng Bác đúc bằng đồng, do nghệ nhân Ram Sutar người Ấn Độ thiết kế, thực hiện. Bức tượng được khánh thành, đặt tại Công viên G20 đúng dịp 2/9/2021, kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Tác giả bên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tại Thủ đô New Delhi.

Tác giả bên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tại Thủ đô New Delhi.

Buổi chiều, ánh nắng mặt trời chiếu sáng, đứng ở nơi cách xa Việt Nam gần 5.000 km, ngước nhìn lên tượng Bác mà thấy lòng rưng rưng. Những người dân đi bộ ở Công viên, biết chúng tôi từ Việt Nam sang viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ cũng thành kính cúi đầu, chắp hai bàn tay sát ngực rồi mỉm cười thân thiện chào chúng tôi: Namaste! Con gái tôi cho biết đó là cách chào truyền thống của người Ấn Độ. Lời chào ấy có nghĩa là: “Tôi nghiêng mình trước sự thiêng liêng trong bạn”.

Sinh thời, Bác Hồ đã tới Ấn Độ 3 lần. Lần cuối cùng là mùa xuân cách đây 67 năm, Bác sang thăm Ấn Độ với tư cách Chủ tịch nước. Trong chuyến thăm này, ngày 7/2/1958, Bác và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã thống nhất ký Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ. Đây chính là dấu ấn quan trọng để hai nước phát triển quan hệ ngoại giao tốt đẹp cho đến ngày nay. Kể từ khi tượng Bác được đặt tại Công viên G20, nơi đây luôn được đón các đoàn cán bộ, du học sinh Việt Nam sang Ấn Độ công tác, học tập và cộng đồng người Việt sinh sống tại các bang khác ghé thăm mỗi khi về Thủ đô New Delhi.

Từ lâu, Ấn Độ đã được biết đến là một quốc gia rộng lớn, có nền văn hóa truyền thống lâu đời, độc đáo vào bậc nhất thế giới. Hiện tại, với dân số trên 1,45 tỷ người, Ấn Độ cũng là quốc gia đông dân nhất. Đây cũng là đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo với các đạo như Hồi giáo, Hindu, Kitô, đạo Sikh, Phật giáo, Kỳ Na giáo… Trong đó, đông nhất là người dân theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo), chiếm tới trên 80%. Số người theo đạo Phật chỉ khoảng 7%. Tại bang Bodh Gaya, cách Thủ đô New Delhi 1.500 km, nơi có Chùa Mahabodhi (còn gọi là Chùa Bồ Đề Đạo Tràng) nổi tiếng linh thiêng là cái nôi đầu tiên của Phật giáo. Đây cũng là địa chỉ mong ước được đến một lần trong đời của nhiều người theo đạo Phật ở Việt Nam và các nước có đạo Phật trên thế giới.

Một Ấn Độ đa sắc màu

Trong 15 ngày ở Ấn Độ, tôi có dịp đi thăm Bảo tàng Quốc gia, Đài tưởng niệm chiến tranh India Gate và một số di tích văn hóa nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như: Đền TajMahal, Pháo đài Agra, Lăng Humayun, tòa tháp Qutb Minnar, chùa Mahabodhi… Đến đâu cũng ngây ngất kinh ngạc trước vẻ đẹp tinh xảo, mang đậm bản sắc đạo giáo của các công trình kiến trúc được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Đặc biệt, may mắn chúng tôi được hòa cùng dòng người vào tham quan Vườn hoa Mughal Gardens của Phủ Tổng thống.

 Mỗi năm Đền Taj Mahal - một kiệt tác kiến trúc Hồi giáo được UNESCO công nhận, đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch đến tham quan.

Mỗi năm Đền Taj Mahal - một kiệt tác kiến trúc Hồi giáo được UNESCO công nhận, đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch đến tham quan.

Vườn hoa này mỗi năm chỉ mở cửa một lần vào mùa xuân (tháng 2 đến tháng 3), cho người dân đến thăm. Vì vậy, người vào tham quan rất đông, chủ yếu là công dân Ấn Độ. Thấy tôi và cháu ngoại mặc áo dài Việt Nam, nhiều người nhường bước, cúi chào thân thiện và ngỏ ý muốn chụp ảnh lưu niệm. Những phút ấy tôi thấy tự hào và yêu sao chiếc áo dài truyền thống của dân tộc mình. Dẫu ngôn ngữ bất đồng, nhưng cái bắt tay nắm chặt và nụ cười thân thiện đã xóa nhòa khoảng cách.

Tại Thủ đô New Delhi, nhiều cầu vượt và những đường phố mới được quy hoạch khá rộng. Có nhiều hồ, công viên cây xanh và rừng tự nhiên trong thành phố. Cùng với sự độc đáo về văn hóa truyền thống, bấy lâu Ấn Độ cũng là quốc gia “nổi tiếng” được nhắc tới về ô nhiễm bụi, khí hậu khắc nghiệt với mùa hè nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C. Chính phủ nước bạn đang có những cố gắng nỗ lực để khắc phục bất cập này. Trên các tuyến đường, dẫu xe cộ tấp nập vẫn gặp vô vàn các loại chim, bồ câu, dơi, quạ, công… ríu rít sà xuống kiếm ăn.

Thời gian 15 ngày ở Ấn Độ với tôi rất nhanh. Vẫn tiếc nuối vì còn nhiều điều chưa kịp khám phá. Chuyến bay đêm từ Sân bay Quốc tế Indira Gandhi trở về Việt Nam chật ních, chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ sang khám phá Việt Nam. Tôi thấy vui về điều ấy. Tin rằng với sự phát triển của quan hệ đối ngoại, sự quảng bá của du lịch hai nước, nhiều du khách Ấn Độ sẽ tới vùng quê Kinh Bắc để nghe quan họ trong một ngày không xa.

Ở Ấn Độ, đi bên trái, rẽ trái mới là đúng luật. Nhiều bà con người Việt cho biết lúc mới sang luôn căng thẳng đến toát mồ hôi mỗi lần tham gia giao thông vì chưa quen. May mắn, giá xe dịch vụ giống như Grap ở Việt Nam khá rẻ nên chúng tôi chủ yếu chọn phương tiện này để di chuyển. Nếu không phải giờ cao điểm, đi 4-5 km chỉ hết khoảng 60 rupee (tương đương 20.000 VNĐ).

Những ngày ở Thủ đô New Delhi, cứ rảnh rỗi tôi lại đi chợ, siêu thị, đi bộ ra công viên, đưa đón cháu ngoại đến trường. Đó cũng là cái cớ để có dịp trải nghiệm, tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, sinh hoạt, đời sống của nước bạn. Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ phát triển khá nhanh. Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Điều đó có thể thấy rất rõ qua những khu biệt thự đẳng cấp, siêu xe chạy trên đường và danh sách dài những nhà tỷ phú. Tuy nhiên, việc phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ cũng khá rõ. Giữa Thủ đô vẫn có khá nhiều nhà ổ chuột, hộ sống vô gia cư. Để phòng ngừa khủng bố, việc kiểm soát an ninh bên này khá chặt chẽ. Vào các điểm tham quan hay siêu thị đều phải qua kiểm soát an ninh nghiêm ngặt như ở sân bay.

Là một quốc gia có tới trên 40% sản xuất nông nghiệp nên lương thực, hoa quả, rau xanh ở Ấn Độ khá rẻ và phong phú. Có nhiều loại rau quả cũng giống như ở Việt Nam như rau cải, cà chua, khoai tây, chuối, đu đủ. Ấn Độ cũng có tới hơn 56 nghìn ha trồng vải thiều, tập trung nhiều ở bang Bihar. Chính điểm tương đồng này cùng với những rào cản quy định thuế, hải quan khiến cho hàng hóa Việt Nam chưa xuất sang Ấn Độ được nhiều và ngược lại.

Tại siêu thị Ambience Mall ở New Delhi, tôi vui mừng khi nhìn thấy bánh phở và bánh đa nem được bày bán ghi xuất xứ từ Việt Nam. Tiếc rằng cả hai mặt hàng này đều có mặt ở siêu thị qua nhãn hiệu xuất khẩu của một doanh nghiệp Thái Lan. Tại Ấn Độ hiện có khoảng trên 500 người Việt Nam đang công tác, học tập và sinh sống. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức gặp mặt, triển lãm Hội chợ, tổ chức các góc chợ quê cho bà con đỡ nhớ quê hương…

Thời gian 15 ngày ở Ấn Độ với tôi rất nhanh. Vẫn tiếc nuối vì còn nhiều điều chưa kịp khám phá. Chuyến bay đêm từ Sân bay Quốc tế Indira Gandhi trở về Việt Nam chật ních, chủ yếu là khách du lịch Ấn Độ sang khám phá Việt Nam. Tôi thấy vui về điều ấy. Tin rằng với sự phát triển của quan hệ đối ngoại, sự quảng bá của du lịch hai nước, nhiều du khách Ấn Độ sẽ tới vùng quê Kinh Bắc để nghe quan họ trong một ngày không xa.

Ghi chép của Lê Huyền

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/an-do-mot-lan-den-postid416375.bbg
Zalo