Ấn Độ 'đi dây' giữa Nga và Mỹ

Sách lược ngoại giao linh hoạt của Ấn Độ trong xung đột tại Ukraine khiến cả Mỹ và Nga đều dành sự tôn trọng cho New Delhi.

Chỉ một tháng trước, Ấn Độ không những từ chối lên án việc Nga phát động "chiến dịch quân sự" tại Ukraine mà còn mua dầu khí của Moscow với giá ưu đãi, trong bối cảnh phương Tây muốn gây áp lực lên kinh tế Nga.

Những động thái trên không thể khiến phương Tây hài lòng, và Nhà Trắng đã bày tỏ "sự thất vọng" với New Delhi, theo CNN.

Nhưng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp trực tuyến Thủ tướng Narendra Modi hôm 11/4, ông Biden ca ngợi về "mối liên kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước" và "những giá trị chung".

Dù Ấn Độ và Trung Quốc đều bày tỏ trung lập trong xung đột Nga - Ukraine, Mỹ hay phương Tây nói chung nhìn nhận Ấn Độ ở một vị trí khác với Trung Quốc.

Với Mỹ, Trung Quốc vẫn là đối thủ chính trong thế kỷ 21, và New Delhi có vai trò quan trọng trong việc kiềm tỏa sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Harsh V. Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại King's College London (Anh), cho rằng Mỹ đã nhận ra cần phải xem Ấn Độ là "đối tác cần được quan tâm".

Chung một đối thủ

Cả New Delhi và Washington đều bất mãn trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự, đưa ra các yêu sách về lãnh thổ trên biển và đất liền, gia tăng ảnh hưởng kinh tế với các nước láng giềng.

Hai nước đều là thành viên của nhóm "Bộ tứ" - cùng với Nhật Bản và Australia, được lập ra với mục đích duy trì "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời phần nào là đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.

Ấn Độ cũng có những tranh chấp với Trung Quốc tại biên giới chung ở dãy Himalaya khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng trong những năm qua.

Mỹ và Ấn Độ đã chia sẻ chung quan ngại về Trung Quốc sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Modi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Trung Quốc đang cố “xây dựng lại hệ thống khu vực và quốc tế”, cho biết Mỹ và Ấn Độ đã “xác định những cơ hội mới để mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội”.

Đó là dấu hiệu cho thấy hai nước “hiểu sâu sắc về lập trường của nhau”, bất chấp những khác biệt trong vấn đề Ukraine, theo Manoj Kewalramani, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Học viện Takshashila (Ấn Độ).

 Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng sự tham gia của bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Ngoại giao hai nước ngày 11/4. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cùng sự tham gia của bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Ngoại giao hai nước ngày 11/4. Ảnh: AP.

Sự khác biệt lớn

Việc có chung mối lo ngại là lý do Washington không gay gắt chỉ trích Ấn Độ liên quan đến cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine.

Cả Bắc Kinh và New Delhi đều có lập trường tương tự - trung lập, kêu gọi hòa bình và từ chối lên án “chiến dịch quân sự” của Nga. Hai nước hiểu rõ rằng mình có những quan hệ chiến lược với Moscow và không muốn phá bỏ điều đó.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2 đã mô tả mối quan hệ hai nước là “không giới hạn”. Trong khi đó, ước tính hơn 50% vũ khí của Ấn Độ được nhập từ Nga.

Tuy nhìn bề ngoài có lập trường tương đồng, hai nước lại cho thấy “sự khác biệt lớn”, theo ông Kewalramani.

Trung Quốc lên án các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời liên tục chỉ trích Mỹ và NATO. Bắc Kinh cùng chung quan điểm với Moscow rằng việc NATO mở rộng về phía đông là nguồn cơn cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Mặt khác, Ấn Độ tránh việc chỉ trích khối quân sự phương Tây, đồng thời không để những khác biệt với Mỹ ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

Thủ tướng Modi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Nước này cũng có thay đổi lập trường với từng vấn đề cụ thể, như về tình hình nhân đạo.

Nhà tài trợ vũ khí

Mỹ dường như cũng nhận thấy Ấn Độ có quan hệ gắn với Nga trong tiến trình lịch sử. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng quan hệ Ấn Độ - Nga “đã phát triển trong những thập niên mà Mỹ không thể là đối tác với Ấn Độ”.

Ông Blinken dường như muốn nhắc lại giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khi Ấn Độ từng là một phần của Phong trào không liên kết - không tham gia vào khối liên minh của Mỹ hay Liên Xô.

Tuy nhiên, Ấn Độ hướng về Liên Xô trong những năm 1970, khi Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự và kinh tế cho Pakistan, nước láng giềng và có nhiều tranh chấp với Ấn Độ tại khu vực Kashmir. Đây cũng là thời điểm Ấn Độ được Liên Xô viện trợ vũ khí, và dần phụ thuộc vào vũ khí của Liên Xô, sau này là Nga cho đến ngày nay.

Năm 2018, Ấn Độ ký hợp đồng mua hệ thống phòng không trị giá 5 tỷ USD với Nga, bất chấp thỏa thuận này có thể khiến Mỹ dùng đến Đạo luật chống lại đối thủ Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) - được thông qua năm 2017, cho phép áp đặt trừng phạt Iran, Nga, Triều Tiên, và các nước có giao dịch quốc phòng với ba nước trên.

Việc mua vũ khí Nga phần nào khiến New Delhi không quá gay gắt với Moscow. Tháng 12/2021, Thủ tướng Modi gọi ông Putin là “người bạn thân” khi nhà lãnh đạo Nga đến thăm New Delhi. Đáp lại, Tổng thống Putin coi Ấn Độ như "cường quốc với những con người thân thiện, cùng câu chuyện phi thường về quan hệ hai nước".

Ấn Độ cũng là nước bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về việc lên án Nga, hay loại Moscow khỏi Hội đồng Nhân quyền.

"Ấn Độ không chỉ hiểu rõ về mục tiêu chiến dịch (tại Ukraine), mà còn nguồn gốc tình hình an ninh ở châu Âu, quan hệ Nga - Ukraine trong nhiều thập niên gần đây. Đó là một trong những lý do Ấn Độ trung lập", TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại New Delhi Denis Alipov nói hôm 18/3.

 Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi gặp mặt tại New Delhi, Ấn Độ tháng 12/2021. Ảnh: CNN

Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi gặp mặt tại New Delhi, Ấn Độ tháng 12/2021. Ảnh: CNN

Vị thế được nâng cao

Moscow vẫn muốn bán dầu cho Ấn Độ với giá ưu đãi. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Ấn Độ tại New Delhi ngày 1/4 và hoan nghênh nước này không nhìn xung đột tại Ukraine “một cách phiến diện”.

"Tình hữu nghị là từ khóa để miêu tả mối quan hệ bền vững của chúng tôi, đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong quá khứ", ông Lavrov nói.

Trong khi đó, Mỹ cũng ngày càng tăng cường quan hệ với Ấn Độ kể từ khi ông Modi đắc cử năm 2014. Kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 110 tỷ USD mỗi năm, so với 8 tỷ USD thương mại Ấn - Nga. Những năm qua. Ấn Độ cũng là khách hàng lớn mua thiết bị quân sự từ Mỹ.

Tuy vậy, vẫn có những rào cản trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Modi. Ông Biden muốn ông Modi không tăng cường mua dầu của Nga, thay vào đó Washington sẽ giúp tìm những đối tác khác cho New Delhi. Ấn Độ nhập khẩu 80% lượng dầu tiêu thụ, nhưng nước này chỉ nhập không quá 3% dầu mỏ của Nga.

“Ấn Độ đã vươn lên mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng, và đây thực sự là kỳ tích”, ông Pant nói.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-do-di-day-giua-nga-va-my-post1311723.html
Zalo