Ấn Độ đặt cược lớn vào các công ty khoan dầu nước ngoài

Là quốc gia có nhu cầu dầu tăng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ sắp tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện trong chính sách khoan dầu.

Là quốc gia có nhu cầu dầu tăng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ sắp tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện trong chính sách khoan dầu. (Ảnh: AFP)

Là quốc gia có nhu cầu dầu tăng nhanh nhất thế giới, Ấn Độ sắp tiến hành một cuộc cải tổ toàn diện trong chính sách khoan dầu. (Ảnh: AFP)

Sau hơn một năm chuẩn bị, chính sách mới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thăm dò và phát triển ngành dầu khí, đồng thời tạo điều kiện để các nhà thầu nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường này - theo chia sẻ của một quan chức cấp cao với tờ Business Standard.

Theo vị quan chức này, điểm quan trọng nhất là các nhà thầu nước ngoài sẽ được bảo hiểm rủi ro trước những thay đổi trong chính sách tài khóa - yếu tố từng khiến các “tập đoàn” như Exxon, Shell và Chevron không mặn mà tham gia 9 vòng đấu thầu khoan dầu trước đây của Ấn Độ.

“Đây là chính sách then chốt, quyết định Ấn Độ có thu hút được đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí hay không. Chính phủ đang trải thảm đỏ mời các tập đoàn lớn”, một chuyên gia trong ngành nhận định.

Theo dữ liệu từ Bộ Dầu khí Ấn Độ, sản lượng dầu do khối tư nhân khai thác trong năm tài khóa 2025 đã giảm hơn một nửa so với mức kỷ lục 12 triệu tấn vào năm 2014.

Chính sách mới - dựa trên Luật Điều chỉnh và Phát triển Mỏ Dầu năm 1948 vừa được sửa đổi - không chỉ áp dụng cho các hoạt động khai thác dầu khí truyền thống, mà còn mở rộng sang cả lĩnh vực năng lượng tái tạo tại các vùng khai thác. Dự thảo đầu tiên được công bố vào tháng 4, hiện đã được điều chỉnh sau khi lấy ý kiến từ doanh nghiệp, theo lời vị quan chức.

Dự kiến, các quy định mới sẽ chính thức được công bố trong công báo của Chính phủ vào cuối tháng này.

Chính sách mới sẽ thay thế các quy định cũ kỹ như Quy định Nhượng quyền Dầu mỏ năm 1949 và Quy tắc Dầu mỏ & Khí đốt Thiên nhiên năm 1959. Chính phủ kỳ vọng đây sẽ là nền tảng để tổ chức Vòng đấu thầu OALP lần thứ 10 - được xem là vòng đấu thầu lớn nhất từ trước đến nay của Ấn Độ. Dù tiến độ chậm hơn kế hoạch, các nhà thầu vẫn có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ theo quy định mới.

Người này cũng cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay là địa chất Ấn Độ kém hấp dẫn hơn so với các khu vực như châu Phi, hay Mỹ Latinh, cộng thêm việc chính sách thuế và ưu đãi thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Tính đến nay, chỉ có các công ty quốc doanh như ONGC và Oil India tham gia đấu thầu, bên cạnh một vài hồ sơ nhỏ từ BP và Reliance. Các tập đoàn lớn như Chevron, Exxon, Shell và Occidental đều vắng mặt trong 9 vòng đấu thầu trước đó.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng tới, Chính phủ kỳ vọng sẽ nhận được hồ sơ từ các “tập đoàn” này - theo lời quan chức trên. “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với họ và điều chỉnh quy định sao cho phù hợp”, ông chia sẻ.

Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ, ông Hardeep Singh Puri, tuyên bố: “Chưa bao giờ việc thăm dò dầu khí ở Ấn Độ lại dễ dàng, nhanh chóng và có khả năng sinh lời như bây giờ. Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ để xây dựng một môi trường đầu tư hiện đại và thân thiện”.

Hiện chưa có thời điểm cụ thể về việc công bố chính thức các quy định mới.

Ông Kapil Garg, Giám đốc điều hành của Oilmax Energy & Asian Energy Services - một công ty dịch vụ dầu khí - nhận xét: “Những bước đi này sẽ giúp chính sách minh bạch và ổn định hơn, từ đó tăng niềm tin của nhà đầu tư”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng việc chia sẻ dữ liệu thăm dò - bao gồm cấp phép và công khai dữ liệu địa chấn, giếng khoan - sẽ kích thích sự quan tâm mới, giảm rủi ro và có thể nâng cao tỷ lệ thành công ở những khu vực chưa được khai thác nhiều.

An ninh năng lượng

Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới với mức 5,5 triệu thùng mỗi ngày - hiện đang phải nhập khẩu tới 90% lượng dầu thô tiêu thụ, hơn một nửa lượng khí đốt và trên 60% nhu cầu LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng).

“Vài năm gần đây, Ấn Độ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào các biến động toàn cầu mà nước này không thể kiểm soát”, một thương nhân cấp cao tại công ty lọc dầu quốc doanh chia sẻ. Chẳng hạn, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ dự luật áp thuế nhập khẩu lên tới 500% đối với các quốc gia mua dầu của Nga có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 40% lượng dầu thô mà Ấn Độ đang nhập khẩu.

Trong vòng đấu thầu thăm dò dầu khí lần thứ 9 của Ấn Độ, BP (liên doanh với ONGC và Reliance Industries) là nhà thầu nước ngoài duy nhất giành được quyền khai thác một khu vực.

Tính đến nay, Chính phủ đã cấp tổng cộng 144 lô khai thác trong 8 vòng đầu tiên của chương trình OALP, thu hút cam kết đầu tư trị giá 3,4 tỷ USD và mang lại 14 phát hiện dầu khí mới.

Tuy nhiên, trong năm tài khóa 2025, tổng sản lượng dầu (bao gồm cả condensate) của Ấn Độ giảm hơn 2%, chỉ còn 28,7 triệu tấn so với năm trước. Sản lượng khí đốt cũng giảm nhẹ, xuống còn 36,1 tỷ mét khối. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ lại tăng: Dầu tăng 2%, khí đốt tăng 6% trong cùng kỳ.

Tại vòng đấu thầu thứ 10 sắp tới, các nhà thầu sẽ được phép khai thác thêm các khoáng sản khác nằm trong cùng khu vực dầu khí - bao gồm cả các loại khoáng sản quan trọng. Oil India hiện đã bắt đầu thực hiện theo quy định này tại bang Rajasthan.

Lần đầu tiên, các quy định mới cũng cho phép doanh nghiệp triển khai các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng carbon thấp trong khu vực khai thác dầu khí - chẳng hạn như điện mặt trời, điện gió, hydro, hay địa nhiệt - miễn là đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và không gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác chính.

Ngoài ra, một cơ quan xét xử mới sẽ được thành lập theo quy định - do một người có chức vụ từ Thứ trưởng trở lên đứng đầu - với nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ, xử lý tranh chấp và xử phạt các hành vi vi phạm, theo lời một quan chức Chính phủ.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/an-do-dat-cuoc-lon-vao-cac-cong-ty-khoan-dau-nuoc-ngoai-730380.html
Zalo