Ấn Độ củng cố liên kết chiến lược tại châu Âu

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đang có chuyến công du tới Hà Lan, Đan Mạch và Đức từ ngày 19-24/5.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp Thủ tướng Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp Thủ tướng Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam hôm 22/4 khiến 26 người thiệt mạng, châm ngòi cho cuộc đối đầu quân sự kéo dài bốn ngày với láng giềng Pakistan.

Chuyến đi này của người đứng đầu ngành ngoại giao Ấn Độ được giới quan sát cho rằng không chỉ là bước đi thể hiện tầm nhìn đa tầng của New Delhi, vừa tìm kiếm ủng hộ từ EU cho cuộc chiến không khoan nhượng chống khủng bố, vừa đẩy mạnh hội nhập sâu vào mạng lưới đối tác toàn cầu về thương mại, công nghệ và phát triển bền vững.

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp người đồng cấp Hà Lan Caspar Veldkamp. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp người đồng cấp Hà Lan Caspar Veldkamp. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Tại chặng dừng chân Hà Lan, Ngoại trưởng Jaishankar đã có cuộc gặp với Thủ tướng Dick Schoof, hội đàm với người đồng cấp Caspar Veldkamp và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ruben Brekelmans. Hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), nông nghiệp thông minh và quản lý tài nguyên nước.

Hai bên cũng thỏa thuận thiết lập Hành lang xanh và số hóa giữa cảng Rotterdam và các cảng của Ấn Độ - bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy xuất khẩu hydro xanh và năng lượng sạch sang thị trường châu Âu. Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 22,36 tỷ USD năm 2024.

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Trong cuộc gặp Thủ tướng Mette Frederiksen và Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen tại Copenhaghen, ông Jaishankar cảm ơn quan điểm của Đan Mạch trong cuộc chiến chống khủng bố, khẳng định cam kết của New Delhi trong thúc đẩy đối tác chiến lược xanh giữa hai nước - mô hình hợp tác tiên phong về năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và phát triển bền vững.

Ngoài ra, hai bên thống nhất mở rộng hợp tác sang lĩnh vực số hóa, công nghệ sinh học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Với kim ngạch thương mại gần 1,8 tỷ USD năm ngoái, Đan Mạch không chỉ là đối tác thương mại tiềm năng mà còn là "bệ phóng công nghệ xanh" quan trọng giúp Ấn Độ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070 và trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu.

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Tại Berlin, Ngoại trưởng Jaishankar có các cuộc gặp với tân Thủ tướng Friedrich Merz và người đồng cấp Johann Wadephul với trọng tâm trao đổi nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, phát triển vũ khí hiện đại, chuyển giao công nghệ cao, năng lượng hydro xanh và giáo dục đại học.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hơn 30 tỷ USD năm 2024. Các lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa hai bên bao gồm phát triển hệ thống vũ khí, chuyển giao công nghệ quốc phòng, hydro xanh và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Đức còn là điểm đến ưu tiên cho lao động kỹ năng cao và sinh viên Ấn Độ.

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar gặp Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Với chuyến đi 6 ngày, Ngoại trưởng Jaishankar đã cho thấy nỗ lực muốn làm sâu sắc thêm mạng lưới đối tác chiến lược tại châu Âu - nơi New Delhi không chỉ tìm kiếm thị trường và công nghệ mà còn muốn mở rộng đồng minh chính trị trong các vấn đề toàn cầu như an ninh, chống khủng bố, phát triển bền vững.

Với Hà Lan, Ấn Độ có thể tận dụng năng lực hậu cần cảng biển và vị trí địa lý để tăng cường kết nối thương mại với châu Âu. Với Đan Mạch, làn sóng hợp tác xanh và đổi mới sáng tạo hứa hẹn đưa hai nước trở thành hình mẫu cho các quan hệ đối tác phát triển bền vững. Với Đức, nền tảng vững chắc về quốc phòng - công nghệ mở ra khả năng định hình một liên kết chiến lược toàn diện giữa hai bên, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược tại châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục gia tăng.

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Đức Johann Wadephul. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Đức Johann Wadephul. (Nguồn: X/@DrSJaishankar)

Đồng thời, chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Jaishankar còn thể hiện một hình ảnh Ấn Độ vừa kiên cường trên mặt trận an ninh, vừa linh hoạt và chủ động trong hợp tác toàn cầu - một trụ cột không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-cung-co-lien-ket-chien-luoc-tai-chau-au-315175.html
Zalo