Án chồng án
Đang thi hành 3 bản án với tổng số năm cộng lại là 31 năm 6 tháng tại trại giam Đắk Tân (Bộ Công an), Dương Xuân Tú (1980, quê xã Tân Lãnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; trú quận 8, TP Hồ Chí Minh) tiếp tục hầu tòa lần thứ tư, đối diện với bản án rất nặng cho 2 tội danh: 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và 'Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức'.

Bị cáo Dương Xuân Tú tại phiên tòa ngày 17-2.
Theo cáo trạng, có “máu” kinh doanh nhưng Tú đâu lường kinh doanh cũng cần có kiến thức và một chút may mắn. Dọc đường kinh doanh, Tú quen và có tình cảm với chị Th. (trú tại xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng). Tú dùng tên giả là Nguyễn Tuấn Anh, khoe với chị Th. và bạn bè, người thân chị này rằng Tú là nhân viên Thanh tra Chính phủ phụ trách khu vực phía Nam, quen biết khá nhiều người có “máu mặt”. Tin là thật, người thân, bạn bè chị Th. niềm nở đón tiếp, nhờ vả và đã có ít nhất 2 người dính bẫy lừa của Tú.
Người đầu tiên bị Tú cho ăn “quả đắng” là bà Nguyễn Thị Giang, chị ruột của chị Th. Tú nhiều lần to nhỏ mượn tiền của bà Giang để đầu tư kinh doanh rượu ngoại, bất động sản... hứa sẽ trả tiền lãi đầy đủ. Tin lời, từ năm 2017 đến tháng 6-2020, bà Giang đã nhiều lần chuyển cho Tú mượn 350.000.000 đồng chỉ với thỏa thuận miêng.
Đầu năm 2020, Tú quen ông Phạm Hữu Đính (trú tại TP. Hồ Chí Minh). Vì cần tiền, ông Đính mang chiếc xe ô-tô Mercedes BKS 30F-204.XX kèm bản phô tô giấy chứng nhận đăng ký xe đến cầm cho Tú để vay 450 triệu đồng. Tú dùng chiếc xe này làm phương tiện đi lại cho đến tháng 5-2020, do cần tiền tiêu xài và trả nợ các khoản vay trước, Tú đã tìm đặt trên mạng làm giấy đăng ký xe ô-tô giả mang tên Nguyễn Tuấn Anh với giá 3.000.000 đồng rồi mang cầm cố xe cho bà Giang để vay 850.000.000 đồng.
Cũng vì tin Tú là nhân viên Thanh tra Chính phủ thật nên cuối năm 2020, ông Trương Duy Anh (trú tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) tìm đến nhờ Tú lo cho anh trai của ông là Trương Thế Anh đang bị Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Bình Dương bắt vì hành vi đánh bạc. Tú nhận lời và cho ông Duy Anh số tài khoản mà Tú đã dùng Chứng minh nhân dân giả mang tên Nguyễn Tuấn Anh mở tại ngân hàng ACB để ông Duy Anh chuyển tiền chi phí ngoại giao. Tin lời, ông Duy Anh đã 2 lần chuyển cho Tú với tổng số tiền là 450.000.000 đồng. Tại các tỉnh Bình Dương, Đắc Lắc, cũng với thủ đoạn tương tự Tú đã gây ra nhiều vụ lừa đảo.
Ngoài ra, Tú còn phạm tội liên quan đến ma túy. Trước thời điểm tháng 11-2023, khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, Tú đang phải chấp hành 3 bản án, gồm: Ngày 14-4-2022, Tú bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt 10 năm tù về tội: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; ngày 27-5-2022, Tú bị TAND tỉnh Đăk Lắk tuyên phạt l4 năm tù giam về tội: “Lừa đáo chiếm đoạt tải sản”; ngày 23-3-2023 Tú bị TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù giam về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình điều tra các hành vi phạm tội của Tú tại Lâm Đồng, Cơ quan CSĐT còn tiếp nhận nhiều tin báo tố giác tội phạm khác liên quan đến Tú trong các vụ việc vay mượn, làm ăn. Tuy nhiên đây là những giao dịch dân sự nên cơ quan Công an không xem xét xử lý.
Tại phiên tòa do TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử vào chiều ngày 17-2, bị cáo Tú thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Xét hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dương Xuân Tú 16 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 năm tù về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ngoài hình phạt tù giam, Tú còn phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho bà Giang là 850 triệu đồng và ông Trương Duy Anh là 450 triệu đồng.