Ám sát chính trị tưởng đã là chuyện xa xưa ở Nhật Bản
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo gây chấn động trên khắp xứ sở hoa anh đào, nơi tấn công chính trị gia tưởng chừng đã là chuyện thời xa xưa.
Bạo lực hiếm khi xảy ra trong nền chính trị nổi tiếng điềm tĩnh ở Nhật Bản, nên ngay cả việc các nhóm cực hữu thường xuyên đi trên phố để tuyên truyền chính trị cũng chỉ bị coi là mối phiền toái, chứ không phải mối đe dọa đối với an toàn cộng đồng.
Các sự kiện chính trị ở đây cũng không có nhiều cảnh sát bảo vệ. Trong các mùa tranh cử, cử tri có rất nhiều cơ hội để tiếp xúc trực tiếp lãnh đạo cấp cao nhất của đất nước.
Ám sát thường xuyên xảy ra trong giai đoạn chính trị hỗn loạn của Nhật Bản trong những năm trước khi nổ ra Thế chiến 2. Nhưng từ đó về sau, chỉ có rất ít chính trị gia bị ám sát.
Vụ ám sát nhân vật cấp quốc gia gần đây nhất xảy ra vào năm 1960, khi đối tượng cực đoan 17 tuổi đâm chết ông Inejiro Asanuma, lãnh đạo của đảng Xã hội.
Cũng trong năm đó, một đối tượng cực đoan khác tấn công ông nội của ông Abe, tức Thủ tướng Nobusuke Kishi khi đó. Thủ phạm đâm nhiều lần vào chân ông Kishi rồi đưa ông đến bệnh viện.
Trong những thập kỷ gần đây, một số ít vụ bạo lực chính trị thường liên quan đến tội phạm có tổ chức hoặc các nhóm cánh hữu. Năm 2007, Kazunaga Ito – thị trưởng Nagasaki – bị một băng đảng bắn chết.
Các nhà báo đôi khi cũng trở thành mục tiêu. Năm 1987, một phóng viên của báo Asahi Shimbun bị sát hại, liên quan đến một nhóm cực hữu chống Triều Tiên.
Người biểu tình đôi khi bày tỏ sự bất bình bằng cách tự kết liễu mạng sống của mình, để thu hút sự quan tâm của dư luận. Vụ gây chú ý nhất là tiểu thuyết gia Yukio Mishima, người đã tự sát vào năm 1970, sau khi dẫn dắt một nhóm tay súng cánh hữu thực hiện đảo chính bất thành.
Nhật Bản ghi nhận 10 vụ nổ súng gây tử vong, thương tích hoặc hủy hoại tài sản trong năm 2021, theo số liệu của cảnh sát quốc gia.
Ông Gerald L. Curtis, giáo sư danh dự ngành khoa học chính trị tại ĐH Columbia, cho rằng vụ ám sát ông Abe sẽ gây chấn động trong chính trị Nhật Bản.
“Chắc chắn vụ việc này sẽ gây chấn động mạnh ở Nhật Bản, củng cố quan điểm cho rằng Nhật Bản không còn là một quốc gia an toàn và hòa bình, cần phải thay đổi để đối phó với thực tế mới”, GS Curtis nói.