Ấm no dưới chân Hòn Rắn
Trải qua thời gian, đời sống những người dân ở xóm phong (xóm những người bị bệnh phong dưới chân núi Hòn Rắn, thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa) ngày càng nâng cao. Xuân Ất Tỵ này, nhà nhà trong xóm đều ấm no và được chăm sóc sức khỏe thường xuyên.
Người bị bệnh phong bền bỉ vươn lên
Hình thành từ hơn 50 năm trước, xóm phong ngày ấy còn nhiều gian khó, đường sá quanh xóm lởm chởm đất đá, cây cối rập rạp, hoang vu. Nhưng rồi với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự tận tình chữa trị của y bác sĩ, người xóm phong dần bớt bệnh, tinh thần lạc quan.
Mỗi ngày mới mở ra đồng nghĩa với niềm tin được nhen thêm như những tia nắng xuân ấm áp ở xóm phong. Từ xa lạ, nhiều người trở thành thân thuộc, động viên nhau vươn lên. Người trong xóm luôn nhắc nhau hãy cố gắng, không buông xuôi hay chán nản vì bệnh tật.
Cùng với sự quan tâm của chính quyền, sự hỗ trợ của cộng đồng, núi Hòn Rắn như tấm lá chắn khổng lồ che gió bão cho xóm. Năm tháng đi qua, vết thương do bệnh phong gây ra với những người ở xóm phong cũng lành, chỉ để lại dị tật và sẹo. Con em của những người này khỏe mạnh, lao động tốt. Thế nên, chẳng mấy chốc những đám đất hoang thành ruộng mía, sắn, xoài… xanh ngắt. Cùng với đó, người xóm phong còn biết chăn nuôi trâu, bò, dê, gà... để cải thiện đời sống.
Ông Đặng Văn Nở (sinh năm 1963 ở xóm phong) thổ lộ, ông bị bệnh phong từ năm 12 tuổi, mẹ và em trai ông cũng bị bệnh phong, trong đó mẹ ông Nở phải cưa chân. Gặp biến cố là vậy nhưng ông Nở và gia đình mình luôn giữ vững ý chí phải đẩy lùi khó khăn.
Đến nay, những chỗ lở loét trước đây vì bệnh phong với ông Nở và người thân chỉ còn là di chứng, sẹo. Các vết sẹo này hơi tê nhưng không còn đau nhức nên hàng ngày ông Nở vẫn có thể chăm sóc tốt các vật nuôi là trâu, bò. Từ đó gia đình có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, mua sắm các phương tiện nghe nhìn hiện đại.
Bình yên, no ấm
Là người trực tiếp theo dõi, chăm sóc những người bị bệnh phong, chị Đặng Thị Thùy Linh, nhân viên Trạm Y tế xã Cam Tân (Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết: "Xóm phong dưới chân núi Hòn Rắn hiện nay có 7 người bị bệnh phong còn sống, đa số đã lớn tuổi, trong đó có một cặp vợ chồng. Đời sống của những người này ngày càng tốt lên, họ được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Thế hệ con, cháu của những người bị bệnh phong đều lành lặn, khỏe mạnh, họ học tập và lao động hoàn toàn bình thường. Đến xuân Ất Tỵ này, cuộc sống những người xóm phong đều tốt đẹp lên".
"Những chỗ bị tật do di chứng bệnh phong thường mất cảm giác nên chúng tôi đến thăm khám thường xuyên, đồng thời phân tích cho người dân hiểu để không phải lo lắng gì", chị Đặng Thị Thùy Linh nói.
Đúng như chị Linh chia sẻ, xa rồi những tháng ngày lẻ loi, cơ cực, mùa xuân 2025 này, những ngôi nhà ở xóm phong đều rộn ràng niềm vui và ước vọng tương lai khấm khá hơn. Sau mỗi bậc cửa, những đôi tay lớp trẻ sinh ra lành lặn, khỏe mạnh đã tự biết chăm chút, tu bổ nhà mình và lo toan cho thế hệ trước.
Trước thềm năm mới, ngồi bên căn nhà khang trang của mình ở xóm phong, bà Y My vui vẻ tâm tình, bà có chồng bị tật ở tay do di chứng bệnh phong nhưng vẫn làm được một số việc bình thường. Con cháu bà My khỏe mạnh, làm kinh tế hiệu quả nên có cuộc sống no ấm.
Cũng như ông Nở, bà My, các gia đình khác ở xóm phong đã vươn lên nghịch cảnh tạo dựng nhà cửa kiên cố, điện, nước đầy đủ, sống yên bình dưới chân núi Hòn Rắn.