Âm nhạc tìm đường xuất ngoại
Những năm gần đây, âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc trẻ đang dần định hình thương hiệu. Độ phủ sóng của một số nghệ sĩ Việt Nam đã không dừng lại trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Dấu mốc thăng tiến
Với sự bùng nổ của ngành công nghiệp giải trí trong thời gian qua, không thể phủ nhận đang tiếp sức cho nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam có sự thăng tiến vượt bậc những sản phẩm âm nhạc được đầu tư từ âm thanh đến hình ảnh. Ở đó, không chỉ củng cố thương hiệu ở trong nước, một số nghệ sĩ còn đang mạnh dạn tiếp cận các thị trường âm nhạc khó tính của nước ngoài. Có thể kể đến những cái tên như Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng M-TP, Tăng Duy Tân, Amee… và gần đây là Chi Pu.
Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, 2 nghệ sĩ trẻ là Amee và Grey D đã đại diện cho Việt Nam trình diễn tại Vietnam Festival diễn ra tại Công viên Yoyogi (Shibuya, Tokyo).
Trước đó, gia đình ca sĩ Đông Nhi - Ông Cao Thắng cũng đã được mời làm Đại sứ Du lịch Nhật Bản với chiến dịch quảng bá mang tên “Khám phá Nhật Bản - Khởi nguồn đam mê”. Trong chiến dịch này, 2 nghệ sĩ cùng con gái đã có sự kết hợp tinh tế trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước con người Nhật Bản thông qua ca khúc “Made in Việt Nam”.
Ca sĩ trẻ Mỹ Anh cũng đã tạo được dấu ấn khi có màn trình diễn đầy tự tin trong lễ hội âm nhạc nổi tiếng ở Mỹ “Head In The Clouds 2021” cùng một số nghệ sĩ nước ngoài đã thành danh. Bên cạnh đó, Mỹ Anh cũng xuất hiện ấn tượng trong chương trình “Round Asean - Korea Music Festival” được phát trên Đài KBS (Hàn Quốc).
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia chương trình âm nhạc quốc tế, quảng bá du lịch, các nghệ sĩ Việt Nam còn góp mặt trong các gameshow âm nhạc đình đám của quốc tế. Vượt qua những nghi ngại ban đầu, mới đây Chi Pu đã tham gia chương trình truyền hình ăn khách bậc nhất của Trung Quốc là “Đạp gió 2023”. Tại chương trình, thông qua 5 màn trình diễn, trong số đó có 1 tiết mục solo, Chi Pu đã có những màn kết hợp đẳng cấp cùng các nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Trải qua những vòng công diễn, lượng người hâm mộ của Chi Pu tại Trung Quốc ngày càng tăng. Hiện trang mạng xã hội Weibo của nữ ca sĩ đã vượt mốc hơn 300 nghìn người theo dõi.
Vượt qua “cánh cổng làng”
Có thể nói, cùng với việc mở cửa là sự bùng nổ của công nghệ thông tin đang rút ngắn khoảng cách để đưa nhiều ca sĩ Việt Nam vươn ra quốc tế. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, nhiều ca khúc V-Pop đã được phủ sóng và còn đang trở thành trend trên toàn thế giới như: Kẻ cắp gặp bà già, See tình (Hoàng Thùy Linh), Chạy ngay đi (Sơn Tùng), Ngây thơ, Bên trên tầng lầu (Tăng Duy Tân)...
Trước đó, hàng loạt các sản phẩm âm nhạc Việt Nam cũng đã có nhiều nghệ sĩ “tìm đường” xuất khấu ra quốc tế. Như “Made in Vietnam”, “Chat với Mozart”, “Coming to America” của Mỹ Linh đã xuất khẩu sang Nhật và Mỹ. Rồi việc mạnh dạn thâm nhập thị trường Thái Lan của Đan Trường, Lam Trường. Gần đây, nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã nỗ lực kết nối, quảng bá các sản phẩm âm nhạc Việt trên các nền tảng số như album “The Tales” của Thủy Tiên, Lê Hiếu trên Amazon; nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn với hàng loạt sản phẩm âm nhạc như “Hạ trắng”, “Body and soul”, “Drifting Blossoms Floating Clouds” được bày bán trên eBay, CDBaby…
Từng góp mặt tại nhiều Festival âm nhạc uy tín thế giới, nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận, Việt Nam có nhiều giọng ca chất lượng không thua kém gì so với các ca sĩ hàng đầu của nhiều nước có kim ngạch xuất khẩu âm nhạc lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines… Vì vậy mỗi ca sĩ cần phải có khát vọng cũng như dành thời gian để tập trung cho việc sản xuất âm nhạc. Nếu có đam mê cùng tài năng, làm việc hết mình thì chắc chắn thành quả sẽ đến.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Vì vậy, xuất khẩu âm nhạc là một hướng đi đúng đắn. Do đó, với mỗi nghệ sĩ muốn chinh phục khán giả phải là những hành động cụ thể với sản phẩm âm nhạc đòi hỏi sự kết hợp giữa tính cá nhân với những gì được nghe, được tiếp cận trên thế giới... Bên cạnh đó, để âm nhạc Việt tiến ra thế giới vững vàng, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và người làm nghệ thuật.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Vì vậy, xuất khẩu âm nhạc là một hướng đi đúng đắn. Do đó, với mỗi nghệ sĩ muốn chinh phục khán giả phải là những hành động cụ thể với sản phẩm âm nhạc đòi hỏi sự kết hợp giữa tính cá nhân với những gì được nghe, được tiếp cận trên thế giới... Bên cạnh đó, để âm nhạc Việt tiến ra thế giới vững vàng, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và người làm nghệ thuật.