Ấm lòng người dân vùng mưa bão

Để ứng phó với cơn bão số 6, chính quyền địa phương và các lực lượng quân đội, dân quân, công an... luôn sát cánh cùng nhân dân chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Sự cố gắng, phối hợp chặt chẽ ấy góp phần hạn chế thiệt hại, làm ấm lòng người dân vùng mưa bão ...

Nhiều nhà dân tốc mái

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong khi chằng chống nhà cửa trước cơn bão số 6, anh N.T.T (sinh năm 1987, ở xã Bình Minh, Thăng Bình) và anh N.V.M (SN 1987, trú thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) đã bị thương. Tình hình mưa bão cũng khiến 13 nhà dân ở các xã vùng cao hai huyện Tây Giang, Phước Sơn bị tốc mái.

Lực lượng xung kích đã giúp dân khắc phục 6 nhà tốc mái một phần ở Tây Giang. Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành giúp dân khắc phục các nhà ở hư hại tại Phước Sơn.

 Tại Quảng Nam, người dân tranh thủ đi chợ từ sớm để chuẩn bị thực phẩm dài ngày, bảo đảm cho tình hình mưa bão.

Tại Quảng Nam, người dân tranh thủ đi chợ từ sớm để chuẩn bị thực phẩm dài ngày, bảo đảm cho tình hình mưa bão.

Mưa lớn khiến địa bàn Tây Giang xảy ra tình trạng sụt lún, nứt gãy nền nhà, tường nhà bất thường tại Trung tâm Y tế huyện (khu dịch vụ kỹ thuật mổ - xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh) với diện tích khoảng 300m2. Huyện Tây Giang đã chủ động phương án di dời tạm thời để bảo đảm an toàn cho cán bộ, viên chức, người lao động, bệnh nhân và phương tiện, máy móc phục vụ chuyên môn.

Tình trạng mưa bão đã khiến nhiều cây cối gãy đổ trên một số tuyến đường giao thông. Đến chiều 27-10, các lực lượng xung kích đã khắc phục, thông tuyến. Một số khu vực có nguy cơ sạt lở đã được lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo, khuyến cáo người dân hạn chế lưu thông qua các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tại huyện Tây Giang, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry phối hợp cùng dân quân sơ tán 210 hộ/836 nhân khẩu của các xã Tr’Hy, Ga Ry, Ch’Ơm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tr’Hy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp dân chằng chống nhà cửa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tr’Hy (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) giúp dân chằng chống nhà cửa.

Trên địa bàn huyện Hiệp Đức, xuất hiện vết nứt ở khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ, thôn Gia Cao, xã Phước Gia (cách nhà ở của các hộ dân tại Khu dân cư Nà Nổ khoảng 50m). Vết nứt có độ sâu khoảng 1m, chiều dài vết nứt hơn 30m dạng vòng cung bán kính 10m, ước khối lượng đất có nguy cơ sạt lở trên 100 mét khối. Hiện tại chính quyền huyện Hiệp Đức đã huy động các lực lượng dân quân, thanh niên khẩn trương tạo mương chia nước trên đỉnh núi phía sau khu dân cư Nà Nổ nhằm giảm lượng nước mưa đổ về vị trí vết nứt. Đồng thời, cắm biển cảnh báo và thông báo cho nhân dân không được tiếp cận vết nứt và quanh khu vực có nguy cơ sạt lở. Đối với 30hộ/156 nhân khẩu tại Khu dân cư Nà Nổ đã được các lực lượng sơ tán đến trường tiểu học, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết để bà con ăn ở và sinh hoạt.

Tỉnh Quảng Nam khuyến cáo các cơ sở nuôi thủy sản trong ao nuôi ven sông, ao nuôi có nguy cơ bị ngập nước khi mưa bão, lồng bè nuôi thủy sản trên sông tiến hành thu hoạch toàn bộ hoặc thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm, hạn chế thiệt hại, tổ chức neo giữ lồng bè trước bão.

Chủ động sơ tán hơn 18.000 người dân

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, tính đến chiều 27-10, toàn tỉnh có hơn 4.400 hộ với hơn 18.000 nhân khẩu của các địa phương: Duy Xuyên, Phước Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Tiên Phước, Hội An, Nam Trà My, Phú Ninh đã được sơ tán. Các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai sơ tán, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại huyện vùng cao Nam Trà My, đến thời điểm này đã di dời 59 hộ dân với 298 nhân khẩu. Địa phương đã lên phương án sẵn sàng di dời hơn 1.300 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu trước nguy cơ sạt lở đất do mưa lớn bão số 6 gây ra.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam vận động người dân sơ tán khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam vận động người dân sơ tán khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân chủ động trước diễn biến phức tạp của bão số 6. Vì vậy, sau khi nghe chính quyền thông báo sơ tán đến nơi an toàn thì bà con sơ tán ngay đến các khu vực Nhà khách UBND huyện, Trường THCS Trà Mai và Khu lễ hội sâm Ngọc Linh”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam vận động người dân sơ tán khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam vận động người dân sơ tán khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Ngoài việc ứng phó với mưa bão, tỉnh Quảng Nam cũng chủ động phòng tránh sạt lở, ngập lụt trước dự báo mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Theo ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để chủ động ứng phó với cơn bão số 6, chính quyền địa phương coi trọng và thường xuyên tăng cường kiểm tra lực lượng, phương tiện cho việc triển khai phương án “4 tại chỗ”.

Ngày 27-10, UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương thành phố Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 6 và mưa lớn do bão gây ra.

Bài và ảnh: KIM NGÂN - VĂN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/am-long-nguoi-dan-vung-mua-bao-800526
Zalo