Nông dân Tiền Giang vẫn ồ ạt trồng cây ăn trái ngoài vùng quy hoạch

Mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thậm chí áp dụng một số biện pháp mạnh tay khác, nhưng tình trạng nông dân trồng cây ăn trái ngoài vùng quy hoạch vẫn chưa được đẩy lùi, dẫn đến nguy cơ rủi ro cao.

Đến thời điểm hiện nay, tỉnh Tiền Giang vẫn dẫn đầu diện tích cây ăn trái so với cả nước với hơn 84.000 ha, hàng năm cho sản lượng trên 1,8 triệu tấn trái cây các loạị. Do hiệu quả kinh tế cao nên diện tích cây ăn trái mỗi năm đều tăng nhất là các loại cây đang “hot” như: sầu riêng, mít, chanh, thanh long…

Nhiều nông dân tại huyện Châu Thành phá bỏ vườn dừa chuyển sang trồng cây sầu riêng

Nhiều nông dân tại huyện Châu Thành phá bỏ vườn dừa chuyển sang trồng cây sầu riêng

Toàn tỉnh có khoảng 23.000 ha cây sầu riêng, hơn 16.000 ha cây mít, đây là 2 loại cây ăn trái tăng diện tích đột biến do hiệu quả kinh tế đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói, rất nhiều nông dân “chạy theo phong trào” đã đốn bỏ các loại cây trồng khác, hoặc bỏ cây lúa trồng cây sầu riêng, mít ngay cả vùng ngoài quy hoạch, vùng đất còn nhiễm phèn cao, hệ thống đê bao chưa đảm bảo an toàn.

Chỉ riêng tại huyện Cái Bè, diện tích cây ăn trái hiện đã có hơn 27.300 ha, sản lượng 395.970 tấn; trong đó có hơn 9.000 ha cây sầu riêng, 8.000 ha cây mít; trong khi đó diện tích lúa ngày càng giảm và hiện nay chỉ còn khoảng 6.000ha.

Ở nhiều vùng trũng hay bị ngập lũ vẫn phát triển ồ ạt cây ăn trái, như Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Bắc A, B, Hậu Mỹ Phú, Mỹ Trung, Mỹ Tân… Chính quyền và ngành chức năng địa phương không ngăn chặn tình trạng này.

Mô hình trồng cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè

Mô hình trồng cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè

Ông Lê Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết, toàn xã có hơn 1.700 ha cây ăn trái; trong đó có khoảng 50% diện tích nằm ngoài vùng quy hoạch.

“Chính quyền vẫn đang theo dõi rất sâu sát người dân chuyển đổi cây trồng tự phát, từ đó có chủ trương vận động người dân trước mắt phải đảm bảo vườn cây ăn trái của mình. UBND xã đã từng bước có báo cáo, đề xuất UBND huyện xem xét, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc nạo vét công trình thủy lợi, nâng cấp ô đê bao để đảm bảo cho người dân trong việc chăm sóc cây trồng”, ông Hai cho biết.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-tien-giang-van-o-at-trong-cay-an-trai-ngoai-vung-quy-hoach-post1131395.vov
Zalo