Ấm êm đời sống thợ đào hầm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Cùng với việc công được trả đủ, lương không chậm một ngày, hơn 4.000 công nhân giao thông đang thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn còn được đơn vị chủ quản chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ.
Chúng tôi gặp ông Lương Ngọc Tính (55 tuổi), thợ cơ khí của Tập đoàn Đèo Cả tại Ban điều hành công trường thi công Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong lúc chờ bữa cơm trưa tại khu vực nhà ăn vào lúc 11h trưa.
Đã vào cuối thu nhưng tại khu vực thi công hầm số 3 có chiều dài 3.200 m, nằm giữa địa phận 2 tỉnh: Quảng Ngãi, Quy Nhơn thời tiết vẫn rất khó chịu. Để tránh cái nóng như rang, các kíp thợ đào hầm của Tập đoàn Đèo Cả, trong đó có ông Tính thường vào ca sớm ngay từ lúc 6h sáng để kết thúc ca làm việc đầu tiên trong ngày vào lúc 11h.
Quãng nghỉ hơn 1 giờ 30 phút là khoảng thời gian thi công quý giá để các công nhân của Tập đoàn Đèo Cả khẩn trương ăn trưa và có một giấc ngủ ngắn trong các nhà công vụ sát công trường có gắn máy lạnh trước khi bắt đầu ca làm việc chiều và kéo dài đến tận đêm muộn.
Mặc dù công việc rất vất vả nhưng ông Tính – người đã có gần 30 năm làm thợ bảo dưỡng trên các cung đường sắt phía Bắc vẫn rất phấn khởi khi được hỏi về công việc, đời sống sinh hoạt tại công trường.
"Là thợ đào hầm đương nhiên khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với công việc duy tu bảo dưỡng ở ga đường sắt trước đây nhưng bản thân tôi thấy rất tự hào khi được cống hiến một phần công sức lao động cho các dự án trọng điểm quốc gia. Mỗi lần đi qua các dự án đã hoàn thành mà tôi từng tham gia thi công, trong lòng luôn dâng trào cảm xúc rưng rưng, xúc động xen lẫn niềm vui khôn tả. Chúng tôi chỉ mong Tập đoàn Đèo Cả ngày càng có thêm nhiều công trình, dự án mới để gắn bó lâu dài", ông Tính chia sẻ.
Là người có máu xê dịch nên khi có cơ hội tham gia làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả, ông Tính ngay lập tức nhận lời bởi vừa được đi đây đi đó, khám phá công việc mới lạ vừa có thu nhập, đời sống tốt hơn. Sau gần 3 năm gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả, ông Tính đã nhiều lần làm xuyên lễ, xuyên ngày nghỉ để cùng đồng đội đưa các công trình hầm trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông như: Thung Thi, Trường Vinh vào khai thác đúng tiến độ.
“Ở Đèo Cả chúng tôi được trả lương không chậm một ngày, công sá được trả đủ. Cuối năm còn nhận thêm tháng thứ 13, xe công ty đưa tận về địa phương. Đây là điều ít đơn vị giao thông nào làm được”, ông Tính nói.
Ngoài chế độ lương, thưởng, những công nhân như ông Tính còn được Tập đoàn Đèo Cả chăm lo khá tốt. Các công nhân được ăn 3 bữa miễn phí trong ngày. Các khu nghỉ đều là những căn hộ lắp ghép màu sắc trang nhã, thông thoáng có khả năng cách âm và cách nhiệt tốt, có điều hòa; tắm nóng lạnh.
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trên công trường Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn hiện có khoảng 4.000 lao động đang làm việc, trong đó tại các vị trí hầm có khoảng 1500 cán bộ công nhân viên đang thi công 3 ca 4 kíp.
Để đảm bảo chất lượng cuộc sống người lao động, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư xây dựng tại Dự án 7 khu văn phòng làm việc và nhà ở chính, rộng khoảng 13.000m2, với giá trị mỗi văn phòng khoảng 10 tỷ đồng. Tại các khu vực đều được xây dựng các khu tổ hợp thể thao sân bóng nhân tạo, sân cầu lông, bóng chuyền ...
Chi phí này dù cao gấp nhiều lần định mức mà Nhà nước cho phép nhưng lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết định làm theo đúng tiêu chuẩn công trường chung của đơn vị để người lao động có điều kiện ăn ở tốt, qua đó chuyên tâm hơn vào các công việc được giao.
Cán bộ công nhân viên được đảm bảo chế độ ăn ngủ đẩy đủ, tất cả các phòng nghỉ đều được bố trí điều hòa, công ty hỗ trợ chi phí ăn uống 3 bữa trên ngày và 1 bữa phụ cho cán bộ thi công ca đêm. Các bữa ăn được các chị cấp dưỡng thay đổi thực đơn đa dạng đảm bảo về dinh dưỡng cũng như khẩu vị.
Đặc biêt, tập đoàn liên kết các bệnh viện, mời các Bác sỹ và huy động trang thiết bị về đến công trường tổ chức khám định kỳ tổng thể toàn bộ cán bộ nhân viên trong công ty. Đồng thời tổ chức các hội thao nâng cao tinh thần người lao động như giải bóng đá, hội thi lái xe lái máy giỏi, Tiếng hát người lao động
“Chúng tôi đã thay đổi khái niệm “lán trại hiện trường” thành “văn phòng, nhà ở hiện trường” với cơ sở vật chất trang thiết bị khang trang. Những điều kiện này không chỉ dành cho các cấp quản lý mà từng công nhân cũng được chăm lo, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ đàng hoàng (có điều hòa, nước nóng, bếp ăn tập thể, khu thể thao) nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt nhất cho người lao động, giúp tái tạo sức lao động, tăng hiệu suất làm việc”, ông Huy chia sẻ.