Alo cử tri: Bản án không thuyết phục, người dân liên tục khiếu nại

Tại Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024 đã có nhận định, chưa có quy định cụ thể và thiếu chế tài xử lý trách nhiệm đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thông tin kịp thời kết quả giải quyết, trả lời đối với đơn thư do các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyển đến. Trên thực tế, có nhiều vụ việc bị chậm trả lời, giải quyết, dẫn đến người dân mất rất nhiều thời gian, công sức để 'khiếu nại', 'khiếu kiện' và các vụ việc trở nên 'kéo dài'. Ghi nhận của phóng viên Truyền hình Quốc hội về một vụ việc tại tỉnh Kon Tum.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, tại buổi thảo luận hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Liên quan đến một vụ việc tranh chấp đất ở tỉnh Kon Tum, ngày 2/2 Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý và trả lời theo thẩm quyền về nôi dung kiến nghị của cử tri về nguồn gốc đất bị thu hồi của hộ gia đình bà Võ Thị Thu Lan tại Thị trấn Măng Đen, huyện Konplong nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Mới đây, ngày 15/11 Ban Dân nguyện tiếp tục có công văn gửi đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật cũng về vấn đề trên.

Theo nội dung vụ việc, bà Lan có mua lại mảnh đất của người trong vùng từ năm 2004. Nguồn gốc đất, đã được UBND xã Măng Cành nay là thị trấn Măng Đen xác nhận từ năm 1998. Người bán cũng xác nhận nôi dung này.

Tuy nhiên năm 2016 bà Nguyễn Thị Kim Dung có đơn kiện đòi lại quyền sử dụng đất bởi Bà cho rằng mánh đất này đã được ủy ban nhân dân huyện Konplong giao cho mình thông qua quyết định 515 năm 2008.

Qua nhiều vòng xét xử, bản án sơ thẩm 2021 và bản án phúc thẩm năm đã tuyên buộc bà Lan phải giao trả toàn mảnh đất cho bà Dung.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng cho rằng Biên bản bàn giao đất cho bà Dung có nhiều điểm nghi vấn khi người ký trên biên bản năm 2018 là chủ tịch UBND xã Đắk Long, ông Trương Ngọc Tuyền. Tuy nhiên, thực tế 5 năm sau, tức năm 2013 ông Tuyền mới được bổ nhiệm làm chủ tịch xã Đắk Long.

Ngoài ra, trong quyết định giao đất cho bà Dung, huyện dựa vào quyết định 1671 ngày 22/11/2004 của UBND tỉnh Kon Tum, thu hồi đất theo đồ án quy hoạch chung cho huyện Konplong, thu hồi tiểu khu 483. Tuy nhiên, trước đó tại nghị định 13/2004 của Chính Phủ, tiểu khu 483 đã được tách thành tiểu khu 483 thuộc xã Măng Cành và tiểu khu 483A thuộc xã Đắk Long. Do đó, mảnh đất trên đã thuộc tiểu khu 483A không thuộc đối tượng thu hồi của quyết định 1671. Với nhiều điểm nghi vấn, phía bị đơn đã thuê công ty đo đạc để tham khảo và lấy căn cử cắm lại mốc.

Bà Lan đã gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Và chính Chi cục Thi hành án dân sự huyện Konplong cũng đã từng có công văn kiến nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/alo-cu-tri-ban-an-khong-thuyet-phuc-nguoi-dan-lien-tuc-khieu-nai-245993.htm
Zalo