Công an TP HCM cảnh báo thủ đoạn có thể khiến nạn nhân không còn tiền ăn Tết

Công an TP HCM khuyến cáo người dân hết sức cẩn thận, bảo mật thông tin tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, thông tin cá nhân.

Công an TP HCM tiếp tục phát thông báo cảnh báo người dân trước những chiêu lừa khiến nhiều người sập bẫy.

Theo công an, kẻ gian liên tục biến đổi những thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an TP HCM triệt phá một điường dây tội phạm công nghệ cao

Công an TP HCM triệt phá một điường dây tội phạm công nghệ cao

Một số thủ đoạn của tội phạm Công an TP HCM khuyến cáo người dân nhận diện, nâng cao cảnh giác, gồm:

Giả mạo thương hiệu ngân hàng: Giả mạo tin nhắn, Email của các ngân hàng, yêu cầu người dân click vào đường link giả mạo đính kèm trong tin nhắn để hủy/thanh toán/xác thực.

Giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện để hỗ trợ mở thẻ tín dụng, rút tiền mặt; nâng hạn mức thẻ tín dụng, hoàn phí thường niên.

Giả mạo mã QR. Đây là chiêu lừa khiến nhiều chủ quán đau đầu, kẻ gian dán đè mã giả mạo lên mã thật hoặc gửi mã QR để dẫn người dân đến link web giả mạo để lừa tiền.

Giả mạo app VNelD, Bộ Công an, Tổng cục Thuế... có chứa mã độc, nếu người dân cài vào điện thoại sẽ bị kiểm soát thiết bị và chiếm thông tin cá nhân.

Giả mạo cơ quan chức năng (công an, tòa án, giáo viên...) thông báo người bị gọi điện có liên quan đến các vụ phạm pháp/ nguy hiểm/ khẩn cấp và yêu cầu phải chuyển tiền để hỗ trợ cấp cứu/điều tra.

Giả mạo nhân viên nhà mạng viễn thông hỗ trợ nâng cấp sim 4G/5G từ đó chiếm đoạt sim và chiếm đoạt quyền sử hữu tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, kẻ gian còn giả mạo việc nhận quà tặng, kêu gọi từ thiện, chuyển nhầm tiền... để yêu cầu chuyển tiền.

Giả mạo khuôn mặt và giọng nói bằng phần mềm Deepfake Al giống hệt người quen để lừa đảo.

Các băng nhóm còn giả mạo tin nhắn trúng thưởng từ các trang thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada...

Công an TP HCM đề nghị người dân không cung cấp mã OTP/Smart OTP, thông tin số thẻ, mã bí mật CVV/CCV dưới bất kỳ hình thức nào cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh mất tiền.

Người dân không click vào các đường link/quét mã QR dẫn đến website lạ; không tự ý cài đặt các ứng dụng có nguồn không tin cậy. Nếu có tin nhắn tống tiền thì không làm theo yêu cầu của kẻ gian mà phải lưu lại bằng chứng, cung cấp cho cơ quan công an để được hướng dẫn xử lý.

Trước đó, ngày 10-12, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP HCM thông tin về tình hình an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn.

Theo đó, trên địa bàn TP HCM xảy ra 560 vụ lừa đảo, với nhiều phương thức, thủ đoạn. Đơn cử như sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo VOIP (dịch vụ nghe gọi hiện đại phát triển dựa trên nền tảng đám mây) qua mạng internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin thông qua đường link lạ...

PHẠM DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-an-tp-hcm-canh-bao-thu-doan-co-the-khien-nan-nhan-khong-con-tien-an-tet-196241212093650227.htm
Zalo