AI tạo sinh – cỗ máy lấy công làm lời từ sự sáng tạo của người khác?
Người Việt thường dùng câu 'trăm hay không bằng tay quen' như một cách đề cao vai trò của sự thực hành. Thế nhưng, trong kỷ nguyên mới, người ta không nhất thiết phải 'tay quen', mà có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh, hay vẫn được biết là Generative AI (GenAI) để tạo ra cho mình một tác phẩm ưng ý.

Ngày nay, người dùng có thể tự tạo ra những bức ảnh theo các phong cách nhất định tùy theo yêu cầu và thiết lập của ứng dụng AI - Ảnh minh họa: AI
Khác với AI truyền thống chỉ phân tích dữ liệu, với vài câu lệnh hay chỉ bằng một cú nhấp chuột, GenAI có thể tạo ra tác phẩm theo một phong cách nhất định, điều mà tay ngang hầu như không thể làm được. Chính tiện ích này cũng tạo nên không ít tranh cãi, liệu GenAI có thực sự là bước tiến công nghệ hay đây là cỗ máy lấy công làm lời từ những giá trị sáng tạo của người khác?
Rủi ro tiềm ẩn
Các công nghệ GenAI ngày càng phát triển nhanh chóng và hoàn thiện hơn. Ngày nay, người dùng có thể tự mình tạo ra những bức ảnh theo các phong cách nhất định tùy theo yêu cầu và thiết lập của ứng dụng AI. Một ví dụ điển hình gần đây là việc ứng dụng ChatGPT đã cho ra đời tính năng cho phép người dùng tạo ra các bức ảnh mang phong cách phim hoạt hình của hãng phim Studio Ghibli - xưởng phim nổi tiếng với các bộ phim ăn khách như Spirited Away hay My Neighbor Totoro.
Chỉ chừng vài giây, ứng dụng này đã chuyển hình ảnh gốc do người dùng cung cấp thành hình mang phong cách Ghibli, với chất lượng ảnh khá tốt. Tính năng mới này của ứng dụng ChatGPT nhanh chóng tạo thành cơn sốt trên mạng xã hội, cùng với việc phủ sóng các hình ảnh phong cách Ghibli do ứng dụng ChatGPT tạo nên.
Trên thực tế, chỉ một thời gian ngắn sau khi chức năng này ra mắt, một bức thư cảnh báo liền xuất hiện và được lan truyền trên mạng xã hội, trong đó yêu cầu nhà phát triển ứng dụng ChatGPT chấm dứt ngay hoạt động nói trên. Tuy nhiên, theo nguồn tin xác nhận từ hãng phim Studio Ghibli thì bức thư này chỉ là một sản phẩm giả mạo. Mặc dù vậy, điều này cũng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, mà gần nhất và cũng thường được cảnh báo là các vấn đề về bản quyền. Nhưng liệu có dễ khẳng định rằng các bức ảnh “nhái phong cách” luôn là hành vi xâm phạm bản quyền hay không?
Xâm phạm hay hợp pháp?
Trước hết, đối với việc xâm phạm quyền tác giả, cần phải lưu ý rằng, hành vi xâm phạm nhất thiết phải bao gồm việc “tái hiện lại” một tác phẩm đang được bảo hộ, hay ít nhất là một phần đáng kể (có thể nhận diện được) của tác phẩm này. Nói cách khác, nếu bức ảnh do GenAI tạo ra có tái hiện lại một phần đáng kể của một tác phẩm cụ thể đang được bảo hộ quyền tác giả (hoặc nhiều hơn) thì hành vi “tạo ra” này có thể bị xem là xâm phạm quyền tác giả. Đặt trong bối cảnh Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, hành vi này có thể được coi là sao chép tác phẩm hoặc làm tác phẩm phái sinh.
Ví dụ, nếu lấy hình ảnh nhân vật Songoku trong tác phẩm 7 viên ngọc rồng của họa sĩ Toriyama Akira và dùng ứng dụng ChatGPT “hô biến” thành phong cách Ghibli thì bức ảnh được tạo ra hoàn toàn có thể xem là vi phạm quyền tác giả.
Song, nếu ứng dụng chỉ “đạo nhái phong cách”, tức chỉ tái hiện lại cách thức phối màu, nét vẽ hay không khí tác phẩm nói chung chứ không thể hiện lại một tác phẩm (bức tranh hay cảnh trong bộ phim) cụ thể nào, thì khó có thể khẳng định sự xâm phạm ở đây. Điều này là vì quyền tác giả bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm, những ý tưởng hay phương pháp hoạt động, quy trình, hệ thống tạo ra tác phẩm và kể cả phong cách đều không phải là những thứ được bảo hộ bởi quyền tác giả.
Vậy rộng hơn, việc tái hiện phong cách hay một trường phái cụ thể nào đó có thể bị hạn chế phần nào bởi cơ chế nhãn hiệu hoặc cạnh tranh không lành mạnh không? Chúng tôi cho rằng cũng rất khó để áp dụng các quy định pháp lý này, bởi mấu chốt là phải tồn tại một thị trường cạnh tranh giữa chủ sở hữu quyền với bên xâm phạm quyền. Nếu không có thị trường cạnh tranh chung thì cũng không thể có khả năng gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng (về sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu) hay rộng hơn là cạnh tranh không lành mạnh.
Trở lại việc ứng dụng ChatGPT với tính năng tạo ảnh phong cách Ghibli, có thể thấy một bên là sản phẩm về thông tin (ứng dụng GenAI) và một bên là các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật (các bộ phim hoạt hình, cũng như các tranh ảnh nhân vật trong phim). Tuy có nhiều điểm chung song chúng không hoàn toàn trùng lặp. Nói cách khác, vẫn tồn tại các “vùng xám” giữa sự xâm phạm và việc sử dụng hợp pháp mà ở đó không có sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về nguồn gốc của các sản phẩm liên quan.
Gen AI và quyền tác giả: câu hỏi về sự công bằng
Vụ việc như ChatGPT tạo ảnh phong cách Ghibli chỉ là một ví dụ nhỏ trong bức tranh lớn hơn. Bên cạnh những điểm chưa rõ ràng từ khía cạnh pháp luật, những tranh cãi về GenAI còn phát sinh ở khía cạnh đạo lý. Theo đó, việc AI có thể sao chép phong cách nghệ thuật của một nghệ sĩ hay một tổ chức khác (như một hãng phim chẳng hạn) có ảnh hưởng đến quyền lợi của họ không hay công chúng sẽ là bên được hưởng lợi từ những ứng dụng mới này?
Một bức tranh, một bộ phim không chỉ là một sản phẩm vật chất thông thường mà còn là kết tinh của sự sáng tạo, cảm xúc và tuyên ngôn nghệ thuật của người nghệ sĩ. Do đó, khi GenAI tái hiện phong cách ấy một cách dễ dàng, liệu điều này có làm giảm giá trị công sức của các nghệ sĩ? Liệu ngành nghệ thuật sẽ tiến về đâu khi công nghệ vừa là bạn, vừa là đối thủ của chính những tâm hồn sáng tạo? Làm sao để các nghệ sĩ có thể bảo vệ bản sắc của mình trong một thế giới mà mọi thứ đều có thể bị sao chép?
Nhưng ở chiều ngược lại, những người ủng hộ GenAI cho rằng đây là một bước tiến của sáng tạo, mở ra cơ hội cho hàng triệu người tiếp cận nghệ thuật mà trước đây họ không thể chạm tới. Một người dùng thông thường, không có kỹ năng vẽ, giờ đây có thể tạo ra một bức tranh mang phong cách Ghibli để thỏa mãn đam mê cá nhân - điều này có thực sự sai trái?
Ưu tiên sự minh bạch
Chúng tôi cho rằng, để phần nào hài hòa các quan điểm nêu trên, trước tiên cần minh bạch hóa quy trình thu thập và sử dụng dữ liệu của GenAI. Thông thường, để tạo ra các sản phẩm, các ứng dụng Gen AI cần phải được “học” bởi một kho dữ liệu khổng lồ. Thế mà, cách thức GenAI thu thập dữ liệu để huấn luyện - từ tranh ảnh, phim ảnh đến âm nhạc - thường diễn ra trong bóng tối. Nếu quy trình này được minh bạch hóa, nghệ sĩ và các bên liên quan sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn AI đã “học” những gì và sử dụng chúng ra sao. Từ đó, họ sẽ có cơ sở để thảo luận, thậm chí đàm phán trước khi cho các ứng dụng này tiếp cận đến tác phẩm.
Một “bàn làm việc chung” như vậy không chỉ giúp giải quyết xung đột mà còn mở ra cơ hội hợp tác, nơi AI trở thành công cụ hỗ trợ thay vì kẻ cạnh tranh. Khi đó, các nghệ sĩ có thể cho phép AI sử dụng phong cách của mình dưới các điều khoản cụ thể, có thể cấp phép cho AI “học” phong cách của mình để tạo ra các sản phẩm thương mại, để đổi lại việc chia sẻ một phần lợi nhuận với nhà phát triển công nghệ. Theo chúng tôi, sự minh bạch không chỉ giúp giải quyết xung đột mà còn biến GenAI thành một công cụ hỗ trợ thay vì mang tiếng là cỗ máy lấy công làm lời từ thành quả sáng tạo của người khác.