AI tạo 'cú hích' cho đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam

'AI sẽ tiếp tục làm thay đổi cách chúng ta dạy và học, cách các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách…', ông Vũ Minh Đức- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã khẳng định tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với Trí tuệ nhân tạo 2025 được phát động ngày 9/4, tại Hà Nội.

Ứng dụng AI tạo đột phá trong cách dạy và học

Sự kiện do Bộ Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Trường ĐH RMIT Việt Nam tổ chức với như tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên và giảng viên trên cả nước đến chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong lĩnh vực giáo dục.

Nghi thức phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với Trí tuệ nhân tạo 2025

Nghi thức phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo giáo dục Việt Nam với Trí tuệ nhân tạo 2025

Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, Diễn đàn đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình đổi mới giáo dục, lấy trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số làm nền tảng.

Đây là hoạt động quan trọng của Bộ GD-ĐT trong khuôn khổ sáng kiến của dự án “EEAI: Đổi mới sáng tạo trong giáo dục với trí tuệ nhân tạo (AI)” và triển khai, với tài trợ từ Quỹ đổi mới chiến lược của nhà RMIT, thể hiện cam kết đóng góp vào sự phát triển của giáo dục Việt Nam.

Theo ông Vũ Minh Đức, Diễn đàn lần này không chỉ cung cấp tri thức, công nghệ mới cho giáo dục, mà còn tạo động lực mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phù hợp với định hướng đổi mới và chuyển đổi số của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và đồng hành trong việc xây dựng chính sách, khung pháp lý, và tạo điều kiện thuận lợi để AI được ứng dụng hiệu quả, bền vững và nhân văn trong giáo dục.

Theo ông Đức, AI đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cách chúng ta dạy và học, cách học sinh tiếp cận tri thức, cách các nhà quản lý giáo dục hoạch định chính sách. AI mang đến cơ hội to lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn. AI cũng đặt ra nhiều thách thức mới về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên và giảng viên đến chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng AI

Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giáo viên và giảng viên đến chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng AI

Ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ra những thách thức và cơ hội trong việc sử dụng AI trong giáo dục, đặc biệt là trong khâu đánh giá và kiểm tra học tập. Để giải quyết các vấn đề này, cần có một chiến lược quốc gia về phát triển và ứng dụng AI trong giáo dục, đồng thời cải cách chương trình GD-ĐT giáo viên, tập trung vào việc phát triển tư duy độc lập và sáng tạo cho học sinh.

“Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đang hướng đến phát triển năng lực, và có sự chuyển đổi rõ nét. Trong chương trình bồi dưỡng giáo viên, cần tập trung vào 3 trụ cột chính: xây dựng mục tiêu giáo dục, thiết kế nội dung và nhiệm vụ học tập, và sử dụng AI để hỗ trợ các hoạt động này”, PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh.

Giảm gánh nặng cho giáo viên bằng AI

Hiện giáo viên Việt Nam đang phải đối mặt với khối lượng công việc lớn do gánh vác nhiều nhiệm vụ hành chính, soạn bài và chấm điểm dẫn đến việc giáo viên bị hạn chế trong việc cá nhân hóa giảng dạy và đổi mới phương pháp. Việc thiếu kỹ năng sư phạm số và công cụ AI hỗ trợ giảng dạy dẫn đến các phương pháp giảng dạy thiếu cập nhật và kém hiệu quả.

Chia sẻ tại Lễ phát động, bà Tara O'Connell - Trưởng Chương trình Giáo dục, UNICEF Việt Nam cho rằng, đây là một sáng kiến cụ thể của Bộ GD-ĐT nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi lĩnh vực - đặc biệt là trong giáo dục - nhằm nâng cao chất lượng học tập và phát triển kỹ năng cho tất cả người học - lực lượng lao động tương lai của đất nước.

“Chúng tôi cam kết hỗ trợ xây dựng Chiến lược AI trong giáo dục đến năm 2035, cũng như các Khung năng lực số và Khung năng lực AI cho giáo viên và học sinh Việt Nam để ứng dụng rộng rãi trên toàn quốc. Chúng tôi cũng sẽ thúc đẩy các sáng kiến sử dụng công cụ AI để giảm gánh nặng cho giáo viên, giúp họ có thêm thời gian và công cụ để làm điều họ giỏi nhất như: truyền cảm hứng học tập cho trẻ em – đồng thời hỗ trợ mở rộng quan hệ đối tác giữa Bộ GD-ĐT với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục”, bà Tara O'Connell bày tỏ.

GS Julia Gaimster chia sẻ tại buổi lễ.

GS Julia Gaimster chia sẻ tại buổi lễ.

GS Julia Gaimster - Giám đốc cấp cao phụ trách học thuật, nghiên cứu và chương trình giảng dạy cho sinh viên tại Trường Đại học RMIT Việt Nam ghi nhận, diễn đàn đã tạo ra một không gian kết nối giữa các nhà lãnh đạo, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các chuyên gia để cùng nhau đối thoại sâu sắc và định hình tương lại của giáo dục Việt Nam trong thời đại AI.

Nếu cùng nhau “bắt tay”, chúng ta có thể đảm bảo rằng, AI không chỉ là công nghệ của tương lai, mà còn là động lực thúc đẩy sự chuyển mình trong giáo dục, mang lại lợi ích cho hệ thống giáo dục và cộng đồng Việt Nam.

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ai-tao-cu-hich-cho-doi-moi-sang-tao-giao-duc-viet-nam-post1190740.vov
Zalo