Đề xuất khung năng lực công nghệ số của giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học
TS Hà Thanh Hương đề xuất khung năng lực công nghệ số của giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học gồm 7 tiêu chuẩn, 27 tiêu chí.

Ảnh minh họa/internet.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học trong kỷ nguyên số” ngày 18/4, TS Hà Thanh Hương - Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Hợp tác Quốc tế và Tạp chí (Học viện Quản lý giáo dục) đề xuất Khung năng lực công nghệ số của giảng viên ngoại ngữ ở trường đại học gồm 7 tiêu chuẩn, 27 tiêu chí.
Cụ thể, 7 tiêu chuẩn gồm các năng lực: vận hành thiết bị và sử dụng phần mềm trong dạy học Ngoại ngữ; khai thác thông tin và dữ liệu trong dạy học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn và dạy học ngoại ngữ; sáng tạo nội dung số trong dạy học ngoại ngữ; giao tiếp và hợp tác trong dạy học ngoại ngữ; Tự học, tự bồi dưỡng phát triển kỹ năng số trong dạy học ngoại ngữ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đoàn cán bộ, giảng viên, nhà khoa học đến từ Học viện Quản lý giáo dục.
Ứng với mỗi tiêu chuẩn, TS Hà Thanh Hương đề xuất các tiêu chí tương ứng. Chẳng hạn, trong tiêu chuẩn về năng lực tự học, tự bồi dưỡng phát triển kỹ năng số trong dạy học ngoại ngữ có 5 tiêu chí:
Thứ nhất, năng lực sử dụng công nghệ số trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng;
Thứ hai, nhận diện được các cơ hội và thách thức trong môi trường dạy - học trực tuyến.
Thứ ba, hiểu được nhu cầu và sở thích cá nhân với tư cách là người học tập trong môi trường số;
Thứ tư, thúc đẩy truy cập mở và chia sẻ thông tin trong các hoạt động dạy học ngoại ngữ.
Thứ năm, ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân trong dạy học ngoại ngữ.Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời đối với sự phát triển cá nhân trong dạy học ngoại ngữ.

TS Hà Thanh Hương (thứ năm từ trái qua phải) nhận Giấy chứng nhận dành cho diễn giả.
Nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, TS Hà Thanh Hương cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo được coi là “chìa khóa” vạn năng giúp người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi và kích thích sự sáng tạo, phát triển.
Nữ chuyên gia nhắc lại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT chú trọng triển khai 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục và đào tạo; Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho người học, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; Phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Đại diện 5 cơ sở giáo dục đại học đồng tổ chức Hội thảo.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và sinh viên đã tập trung thảo luận về: Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở bậc đại học trong kỷ nguyên số; ứng dụng công nghệ số trong thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy ngoại ngữ; Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ dựa trên công nghệ số; Nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giảng viên dạy ngoại ngữ.
Ngoài ra, các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy ngoại ngữ; các mô hình dạy học kết hợp (blended learning) và học tập trực tuyến trong dạy ngoại ngữ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trong giảng dạy ngoại ngữ;
Các kinh nghiệm thực tiễn và mô hình thành công trong giảng dạy ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục đại học, cùng với đó là chính sách và quản lý giáo dục ngoại ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số được đề cập, phân tích sâu sắc tại hội thảo này.

Diễn giả trình bày báo cáo tham luận tại hội thảo.
Theo PGS.TS Lưu Văn Quảng - Phó Giám Đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hội thảo nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời tạo lập một diễn đàn học thuật chất lượng cao để các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, phương pháp giảng dạy;
Từ đó, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và học tập ngoại ngữ ở bậc đại học, đồng thời tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức với chủ đề “Dạy và học ngoại ngữ ở bậc đại học trong kỷ nguyên số” được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là sự kiện đồng tổ chức giữa các đơn vị: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thương Mại; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; Học viện Chính sách và Phát triển và Học viện Quản lý Giáo dục. Hội thảo là cơ hội quý báu để kết nối đội ngũ những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý giáo dục ngoại ngữ trên toàn quốc, cùng nhau chia sẻ tri thức và đóng góp cho sự nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh mới.