AI - 'Lá chắn thép' ngăn tấn công mạng trong công cuộc chuyển đổi số
Giữa bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, nhiệm vụ sống còn được đặt ra là bảo vệ không gian mạng quốc gia.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người. Từ đó, yêu cầu bảo vệ an ninh mạng được đặt ra đối với toàn bộ các lĩnh vực, hoạt động mà không gian mạng đang bao phủ nhằm bảo vệ được chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đại diện MobiFone từng chỉ ra một vài con số đáng chú ý cho thấy mức độ nguy hiểm của tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong năm 2024. Đó là thiệt hại do tấn công ransomware lên tới 11 triệu USD; 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ; 10 Terabyte dữ liệu bị rao bán trên không gian mạng; khối ngân hàng là lĩnh vực bị nhắm tới nhiều nhất với 71% cuộc tấn công; 924.000 cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán DDoS.
"Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra cho người dùng Việt Nam trong năm 2024 lên tới 18.900 tỉ đồng; và cứ 220 người dùng smartphone thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo", đại diện MobiFone thông tin thêm.
AI xuất hiện và đang cách mạng hóa an ninh mạng bằng cách phát hiện, ngăn chặn và phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa. So với các phương pháp bảo mật truyền thống, AI vượt trội hơn nhờ khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu với tốc độ cao.
AI không chỉ giúp phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ, tạo ra một "lá chắn" vững chắc để bảo vệ hệ thống và dữ liệu khỏi những cuộc tấn công nguy hiểm.
Ví dụ, một công ty tài chính có thể có nhu cầu bảo mật khác với một công ty bán lẻ. AI có thể phân tích dữ liệu về hoạt động của tổ chức, loại dữ liệu được lưu trữ, và các mối đe dọa tiềm ẩn để đưa ra các giải pháp bảo mật phù hợp, chẳng hạn như tăng cường bảo mật cho hệ thống thanh toán trực tuyến hoặc triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu khách hàng.
AI cũng có thể phân tích lưu lượng mạng để xác định các mẫu bất thường hoặc các lỗ hổng bảo mật, từ đó đề xuất các biện pháp phòng ngừa hoặc khắc phục. AI cũng có thể giúp tối ưu hóa việc cấu hình tường lửa hoặc các hệ thống phát hiện xâm nhập để chúng hoạt động hiệu quả hơn.
Đặc biệt, AI giúp phát hiện các cuộc tấn công mạng dựa trên các mẫu và bất thường trong lưu lượng mạng, từ đó đưa ra cảnh báo và ngăn chặn kịp thời. Các hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) sử dụng AI có thể "học" các mẫu tấn công phổ biến và tự động phát hiện các cuộc tấn công mới dựa trên những mẫu này.
Ví dụ, một IDS sử dụng AI có thể phát hiện một cuộc tấn công DDoS bằng cách phân tích lưu lượng mạng và xác định các bất thường, chẳng hạn như số lượng yêu cầu truy cập quá lớn hoặc các yêu cầu đến từ nhiều địa chỉ IP khác nhau.
Ông Stefan Kostic - Giám đốc điều hành Ipification - nhìn nhận: "AI là một con dao hai lưỡi. Ở mặt tích cực, nó thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, xem lại các quy trình cũ. Nhưng AI cũng tạo ra thách thức, đặc biệt với các hiện tượng như giả giọng hay deepfake. Đây là vấn đề nhạy cảm trong các ngành như ngân hàng hay fintech, nơi bảo mật là tối quan trọng. Các hệ thống xác thực cũ đang trở nên lỗi thời vì không thể theo kịp tốc độ phát triển của AI.
Một hệ thống xác thực lý tưởng cần nhanh, đơn giản và riêng tư. Người dùng muốn quy trình ngắn gọn - không ai muốn trải qua 5 bước để đăng nhập. Đồng thời, dữ liệu của họ phải được bảo vệ. Trong nhiều thị trường, đặc biệt là những nơi có quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư, doanh nghiệp cần tập trung vào ba yếu tố: tốc độ, bảo mật và quyền riêng tư. Nếu thiếu một trong ba, hệ thống sẽ không bền vững".
Trong bối cảnh AI ngày càng phát triển và Internet toàn cầu không có giới hạn, tội phạm mạng nói chung và tội phạm gian lận ngày càng trở nên tinh vi hơn, hiện đại hơn, đưa ra được nhiều hình thức tấn công, chiêu trò gian lận, lừa đảo khó đoán và khó lường hơn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng trong kỷ nguyên AI, AI vừa là "vũ khí" tấn công vừa là "lá chắn" phòng thủ. 90% giải pháp nền tảng an ninh mạng trên thế giới đã tích hợp AI.
Các doanh nghiệp đang hình thành các liên minh an ninh mạng thông minh và thiết lập nền tảng SCO đa tầng (quốc gia-bộ, ngành-doanh nghiệp) ứng dụng AI để tự động hóa cảnh báo và ứng phó.