Ai đứng sau lần tăng vốn của VEPIC, khiến cổ phần gián tiếp của một NXB lớn bị pha loãng còn 1/3?

CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), chủ sách Cánh Diều từng được thành lập bởi vốn của 3 công ty con thuộc một NXB lớn trụ sở tại Hà Nội . Lượng cổ phần trên bị pha loãng chỉ còn 1/3, nhóm cổ đông mới không được tiết lộ danh tính.

VEPIC được thành lập như thế nào? Nguồn vốn thành lập ban đầu đến từ đâu?

Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là VEPIC), hiện đang sở hữu bộ sách giáo khoa Cánh Diều được thành lập vào ngày 27/7/2016.

Địa chỉ đăng ký kinh doanh lúc đó được đặt tại Số 81, đường Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Tình cờ thay đây cũng chính là địa chỉ của một NXB lớn trong mảng giáo dục tại Hà Nội.

Tại thời điểm thành lập, VEPIC đăng ký vốn điều lệ 34,56 tỷ đồng và ghi nhận cơ cấu cổ đông gồm 3 cổ đông tổ chức, 5 cổ đông cá nhân. Trong đó 3 cổ đông tổ chức gồm: CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam - Mã SED (34,72%); CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng - Mã DAD (17,36%); CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội - Mã EID (34,72%).

 3 CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo Dục góp phần lớn vốn sáng lập nên VEPIC thực chất là công ty con của một NXB có tiếng tại Việt Nam.

3 CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo Dục góp phần lớn vốn sáng lập nên VEPIC thực chất là công ty con của một NXB có tiếng tại Việt Nam.

Có thể thấy rằng tại thời điểm thành lập, 3 cổ đông tổ chức trên đã nắm tới 86,8% vốn điều lệ của VEPIC. Tại thời điểm giữa năm 2016, cả 3 đơn vị trên đều là công ty con của một NXB lớn chuyên về sách giáo dục có trụ sở ở Hà Nội với tỷ lệ nắm giữ 50%. Như vậy, về cơ bản thì VEPIC đã được thành lập với phần lớn nguồn vốn gián tiếp đến từ NXB lớn này. Đại diện pháp luật của VEPIC lúc này là ông Lê Thành Anh (sinh năm 1974)

Chỉ vài tháng sau khi thành lập, VEPIC bất ngờ tăng vốn gấp 3, cổ phần gián tiếp của 3 NXB Đầu tư và Phát triển giáo dục ngay lập tức bị pha loãng

Như đã nêu phía trên, 3 cổ đông sáng lập của VEPIC là nhóm 3 CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục với cổ phần chi phối lên tới 86,8%.

Tuy nhiên, trên BCTC năm 2016 của cả 3 công ty này, tại thời điểm cuối năm 2016 thì số cổ phần 3 đơn vị trên nắm giữ tại VEPIC lần lượt lại là SED nắm giữ 11,04%; DAD nắm giữ 5,51%; EID nắm giữ 11,04%. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ sau vài tháng thành lập, cổ phần của 3 đơn vị trên đã bị pha loãng và chỉ còn 1/3 so với thời điểm mới thành lập.

 VEPIC là đơn vị sở hữu bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên tại Việt Nam - Cánh Diều. Bộ sách cũng đang bị nhiều phụ huynh thắc mắc vì giá bán cao hơn so với sách giáo khoa mới cùng loại.

VEPIC là đơn vị sở hữu bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên tại Việt Nam - Cánh Diều. Bộ sách cũng đang bị nhiều phụ huynh thắc mắc vì giá bán cao hơn so với sách giáo khoa mới cùng loại.

Trên đăng ký kinh doanh của công ty VEPIC cũng ghi nhận sự thay đổi này với vốn điều lệ được tăng từ 34,56 tỷ đồng lên thành 108,71 tỷ đồng, tức tăng hơn gấp 3 so với thời điểm thành lập. Danh tính của cổ đông mới xuất hiện đã gây nên sự pha loãng cổ phần tới 3 lần này không được tiết lộ.

Đồng thời, người đại diện pháp luật của công ty VEPIC cũng đã được chuyển từ ông Lê Thành Anh (sinh năm 1974) sang cho ông Ngô Trần Ái (sinh năm 1951). Ông Ngô Trần Ái là nhà giáo ưu tú, và cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các NXB lớn, hiện tại đang là Chủ tịch HĐQT của VEPIC.

Tiếp theo đó, vào ngày 15/4/2017, VEPIC cũng đã thông qua nghị quyết HĐQT về phương án giảm 50% vốn góp của 3 Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục trên tại VEPIC. Một nửa vốn góp đã được chuyển trả lại cho 3 CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục kể trên khiến sở hữu của các đơn vị này tại VEPIC một lần nữa bị giảm đáng kể.

Nhóm cổ đông nắm lượng lớn cổ phần hiện tại của VEPIC là ai? Hàng chục tỷ đồng cổ tức của VEPIC được phân phối như thế nào?

Theo thuyết minh BCTC năm 2022 của công ty này thì Chủ tịch HĐQT là ông Ngô Trần Ái. Cổ đông công ty gồm: Ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa (17,76%); bà Ngô Trần Nha Thy (4,12%); Bà Đoàn Phùng Thúy Liên (17,1%); Ông Nguyễn Việt Phương nắm (5,52%); Ông Phạm Thanh Nam (12,3%); Ông Lê Thanh Sơn (11,96%); Các cổ đông khác 31,24%.

 Nhóm cổ đông có tên giống với vợ và con của Chủ tịch HĐQT VEPIC, ông Ngô Trần Ái, một lãnh đạo từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại NXB lớn.

Nhóm cổ đông có tên giống với vợ và con của Chủ tịch HĐQT VEPIC, ông Ngô Trần Ái, một lãnh đạo từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại NXB lớn.

Trong cơ cấu cổ đông này, đáng chú ý có 3 cổ đông là bà Đoàn Phùng Thúy Liên (17,1%), bà Ngô Trần Nha Thy (4,12%) và ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa (17,76%). Tình cờ thay, tên của 3 cổ đông này lại trùng với tên một số người thân của ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT VEPIC, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ của một NXB có tiếng trong lĩnh vực giáo dục.

Nếu nhóm cổ đông này thực sự là người thân của ông Ngô Trần Ái thì chỉ tính riêng người nhà ông Ngô Trần Ái đã nắm giữ tới 38,98% cổ phần của VEPIC. Ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa hiện đang là Phó TGĐ VEPIC, còn bà Ngô Trần Nha Thy cũng đang là Phó TGĐ của CTCP Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (SED).

Cũng trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2022 có ghi nhận cổ tức và lợi nhuận phải trả trong năm là 29,4 tỷ đồng. Cổ tức, lợi nhuận tạm chi đầu năm là 23,3 tỷ đồng. Như vậy, nhóm 3 cổ đông có cùng tên với người nhà ông Ngô Trần Ái đã được tạm chi khoảng 9,1 tỷ đồng cổ tức từ đầu năm 2022.

Trong một bài viết"Liên tục thua lỗ trong 3 năm, doanh nghiệp bỗng lãi hàng chục tỷ sau khi bán sách giáo khoa xã hội hóa"mà báo Nhà báo và Công luận đã đăng tải trước đó, VEPIC liên tục 3 năm liền từ 2017-2019 đều ghi nhận thua lỗ. Bỗng chốc từ năm 2020 đến nay, sau khi bộ sách giáo khoa Cánh Diều được ra mắt, lợi nhuận của đơn vị này hàng năm đã tăng thêm tới hàng chục tỷ đồng.

Bộ sách giáo khoa Cánh Diều, sản phẩm của VEPIC cũng đang bị nhiều phụ huynh thắc mắc do có giá bán cao tới 2,6 lần so với bộ sách giáo khoa chương trình cũ và cũng đang có giá cao hơn từ 2.000 đến 4.000 đồng mỗi quyển so với sách giáo khoa chương trình mới cùng loại của NXB khác.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ai-dung-sau-lan-tang-von-cua-vepic-khien-co-phan-gian-tiep-cua-mot-nxb-lon-bi-pha-loang-con-1-3-post256203.html
Zalo