Thách thức kinh tế đối với tân Thủ tướng Anh

Cuộc tổng tuyển cử tại Anh vừa kết thúc với Công đảng giành chiến thắng vang dội nhờ cam kết đổi mới và tái thiết đất nước sau những biến động chính trị từ Brexit và tăng trưởng kinh tế trì trệ.

Tuy nhiên, Chính phủ của tân Thủ tướng Keir Starmer sẽ đối mặt không ít thách thức khi lên nắm quyền trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng yếu, năng suất kém, đầu tư thấp, nợ công và thuế cao kỷ lục, trong khi mức sống giảm mạnh.

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại London ngày 5/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu tại London ngày 5/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), mặc dù Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2024 tăng 0,7%, mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2021, kinh tế Anh nhìn chung tăng trưởng yếu. So với quý IV/2019 trước dịch COVID-19, nền kinh tế chỉ tăng 1,8%, mức tăng yếu thứ hai trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sau Đức và thấp hơn nhiều so với mức 8,6% của Mỹ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi tháng Năm dự báo tăng Anh sẽ tụt hậu so với hầu hết các nền kinh tế G7, chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,4% trong năm 2024 và đứng cuối nhóm G7 trong năm 2025 với mức tăng 1%. Anh cũng có mức đầu tư/GDP thấp nhất trong G7 với 18%.

Theo Viện nghiên cứu tài chính Anh (IFS), kể từ sau đại dịch, nợ công của Anh tăng nhanh và vượt mức trung bình của G7 và IMF dự báo nợ công của nước này sẽ tiếp tục tăng Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu chính sách công, Anh đã tụt xuống cuối bảng xếp hạng trong nhóm G7 về tổng đổng đầu tư trong 24 năm trong vòng 30 năm qua, trong khi các dự án đầu tư nước ngoài đang ở mức thấp nhất trong vòng 12 năm.

Trong cuộc họp báo đầu tiên của tân Thủ tướng Keir Starmer, ông khẳng định sẽ thúc đẩy thay đổi và hiện thực hóa các cam kết trong cương lĩnh tranh cử, bao gồm kích thích tăng trưởng kinh tế, đầu tư vào năng lượng sạch và cải thiện cơ hội thông qua chương trình nghị sự về kỹ năng mới.

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cũng khẳng định chính phủ sẽ thực hiện cách tiếp cận mới đối với tăng trưởng dựa trên cơ sở ổn định, đầu tư và đổi mới, nhấn mạnh cải cách quy hoạch là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

Bà Reeves cam kết sẽ hành động ngay để giải quyết các vấn đề nền tảng của kinh tế Anh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững dựa trên mô hình mới giúp kinh tế phát triển và giữ thuế, lạm phát và lãi suất thế chấp ở mức thấp nhất có thể. Chính phủ cũng sẽ cải cách khung chính sách về quy hoạch quốc gia để phát triển hạ tầng và khôi phục các mục tiêu bắt buộc về nhà ở (đã được đảng Bảo thủ đưa ra vào năm 2019) nhằm xây mới 1,5 triệu ngôi nhà tại Anh trong 5 năm tới.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ở London. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ở London. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng trong quý I/2024, bà Reeves có thể sẽ phải đối mặt với tài chính hạn hẹp trong kế hoạch ngân sách đầu tiên vào mùa Thu. Con số này chỉ ở mức dưới 9 tỷ bảng vào tháng Ba. Theo ông Paul Johnson, với con số khiêm tốn như vậy, bà Reeves khó có thể chi tiêu lớn vào bất cứ lĩnh vực nào.

Trọng tâm phục hồi tăng trưởng của chính phủ mới cũng vấp phải một vấn đề cấp bách hơn, đó là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về dịch vụ công tốt hơn, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, triển vọng tài trợ cho dịch vụ công mà không phải tăng thuế gần như không khả thi.

Tài chính công kém lành mạnh là một thách thức khác. Nợ công hiện cao gấp 2,5 lần so với năm 1997, ở mức 99,2% GDP vào năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng dù thuế đã tăng ở mức cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thêm vào đó, tài chính công bị ảnh hưởng vởi việc bán trái phiếu của Ngân hàng trung ương An (BoE) khi ngân hàng hủy bỏ chương trình nới lỏng định lượng. Các nhà phân tích cho rằng Bộ Tài chính có thể có thêm ngân sách hàng tỷ bảng nếu BoE ủng vộ việc bán trái phiếu này tại cuộc họp vào tháng 9.

Mục tiêu của chính phủ xây 1,5 triệu ngôi nhà mới trong nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm cũng là một cam kết táo bạo, theo các chuyên gia trong ngành. Chính phủ các nhiệm kỳ trước không đạt được mục tiêu xây dựng 300.000 ngôi nhà/năm kể từ khi chính phủ gần như ngừng hoàn toàn việc xây nhà sau năm 1980.

Chính phủ mới sẽ phải phụ thuộc nhiều vào khu vực tư nhân để thực hiện cam kết này. Giám đốc nghiên cứu nhà ở tại tập đoàn bất động sản Savills, Lucian Cook, cho biết, Công đảng sẽ phải thay đồi đáng kể chính sách nhà ở để đạt mục tiêu 1,5 triệu ngôi nhà, cho rằng trừ khi bơm thêm tiền vào nhà ở giá rẻ, chính phủ sẽ phải thực hiện hiệu quả hàng loạt biện pháp, gồm cải cách quy hoạch, kích cầu và phục hồi các công ty xây dựng nhỏ đang suy giảm.

Cam kết thúc đẩy đầu tư của chính phủ cũng là nhiệm vụ không kém phần khó khăn trong bối cảnh nhiều năm bất ổn về chính sách và những biến động từ Brexit để lại hậu quả lâu dài, khiến Anh đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường lớn khác với các chính phủ giàu hơn.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại Anh thực hiện với gần 5.000 doanh nghiệp, chỉ 25% công ty tăng mức đầu tư trong quý I/2024 mặc dù 58% doanh nghiệp dự kiến doanh thu sẽ tăng trong 12 tháng tới.

Các chuyên gia trong ngành cảnh báo Anh sẽ cần thay đổi khả năng cạnh tranh quốc tế do nước này giờ đây không còn là cửa ngõ vào thị trường chung EU. Ông chủ công ty dược phẩm Eli Lilly mới đây cảnh báo các nền kinh tế cạnh tranh như Mỹ và Ireland đang cung cấp lực lượng lao động lành nghề trong khi thời gian xây dựng nhà máy nhanh hơn nhiều so với ở Anh.

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và tài chính công khó khăn, hầu hết các nhà kinh tế cảnh báo triển vọng kinh tế đầy thách thức với chính phủ mới, song cũng chỉ ra rằng sự ổn định với việc chính phủ sớm công bố chính sách mang đến niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-kinh-te-doi-voi-tan-thu-tuong-anh/340390.html
Zalo