Ai đang chịu khổ vì khách 'sống ảo'?
Nhật Bản, Italy, Bali (Indonesia)... buộc đưa ra nhiều biện pháp ngăn nhóm khách du lịch cuồng check-in, 'sống ảo' bất chấp.
Sự ra đời và phát triển của chụp ảnh nói chung và chụp ảnh tự sướng (selfie) nói riêng mở ra một kỷ nguyên mới cho nhiều lĩnh vực liên quan từ sản xuất điện thoại thông minh đến ứng dụng chỉnh ảnh, cung cấp bộ lọc màu và cả du lịch.
Đối với ngành công nghiệp không khói, những bức ảnh mô tả cảnh quan của điểm đến, sự yên bình của làng chài hay độ bóng bẩy, xa hoa của kinh đô ánh sáng... đều giúp thu hút du khách tứ xứ đến thưởng cảnh, tham quan. Người dân, điểm đến, chính quyền thành phố là những thành phần hưởng lợi từ doanh thu khi khách đến.
Tuy nhiên, khi du khách có chung một mối quan tâm, cũng chính những cá nhân, tập thể tại địa phương bị đe dọa. Sự vụ này đang diễn biến tương đối phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới.
Nhật Bản
Đây là quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng "chưa từng có" về lượng khách ngoại trong năm 2024. Trong bối cảnh đồng yen suy yếu, Nhật Bản - vốn là quốc gia có mức phí du lịch khá đắt đỏ - nay lại được đông đảo du khách lựa chọn như một điểm đến giá rẻ.
Nếu chỉ tính riêng tháng 3, xứ sở mặt trời mọc ghi nhận lượng khách ở mức kỷ lục là 3,08 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, dẫn đầu là khách Hàn Quốc với 663.100 lượt khách.
Chính phủ nước này kỳ vọng ngành du lịch năm nay sẽ tăng đáng kể về mặt lượng khách nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Song, diễn biến thực tế cho thấy điều ngược lại.
Cuối tháng 12/2023, mọi sự phiền hà bắt đầu xảy đến với cư dân tỉnh Shizuoka khi một người có sức ảnh hưởng trên Instagram đăng một bức ảnh chụp cây cầu Fuji Dream (Giấc Mơ Phú Sĩ) trên tuyến đường 139.
"Kể từ lúc đó, hầu hết người đến thăm địa danh này đều là khách quốc tế, không phải người Nhật", ông Miyu Toyama, một quan chức Phòng trao đổi du lịch nói chính quyền thành phố, cho biết.
Đỉnh điểm, hồi cuối tháng 5, Fuji Dream bị coi là điểm đến thay thế khi cửa hàng tiện lợi Lawson ở thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, dựng rào chắn ngăn khách "sống ảo". Lượng khách ồ ạt đến check-in cây cầu. Theo ước tính của chính quyền Shizuoka, số lượng du khách tới cầu Fuji Dream đã tăng lên hơn 100 người/ngày, theo SCMP.
Điều đáng nói, ở cả hai điểm đến đều có tầm nhìn hướng về núi Phú Sĩ này, nhóm du khách cuồng check-in đến và để lại một số hành động phiền toái cho người dân địa phương.
Khách du lịch kéo đến cửa hàng tiện lợi chụp ảnh, vô tư lấn chiếm bãi đỗ ôtô của dân, cản trở giao thông và ồn ào. Nghiêm trọng hơn là tại cầu Fuji Dream, du khách bất chấp đứng ngay vạch chắn giao thông hoặc lòng đường để chụp ảnh với tầm nhìn núi Phú Sĩ. Hành vi này khiến Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với lòng hiếu khách - buộc dựng rào chắn, đưa ra biện pháp nhằm gián tiếp tiễn khách du lịch kém duyên.
Bali (Indonesia)
Trái ngược với Nhật Bản, chính quyền địa phương Bali lại mạnh tay hơn trong vấn đề xử lý du khách phiền toái.
157 là số khách nước ngoài bị trục xuất khỏi đảo vào 8 tháng đầu năm. Trong khi đó, 194 người khác đang bị tạm giam đợi ngày về nước.
Hòn đảo "thiên đường" của Indonesia sở hữu nhiều nét văn hóa bản địa đặc trưng, song song với đó là cảnh quan thu hút, bãi biển trong xanh. Điểm ăn khách của đảo giúp địa danh đón một lượng khách quốc tế lớn mà không phải điểm đến nào có biển cũng đạt được. Trong 7 tháng đầu năm, Bali ghi nhận 3,89 lượt khách du lịch ghé thăm, vượt trội hơn hẳn so với con số 2,9 lượt triệu khách cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, mặc cho những biện pháp cứng rắn từ chính quyền tỉnh Bali, nhóm khách cư xử kém vẫn xuất hiện trên đường phố từ ngày này qua năm nọ, bên cạnh nhóm khách chất lượng, thật sự muốn khám phá văn hóa địa phương. Hành vi của khách bị đánh giá "kém duyên" chủ yếu là vấn đề liên quan đến việc khỏa thân chụp ảnh ở địa danh tâm linh, không tuân thủ quy tắc an toàn giao thông...
Giữa tháng 3/2023, Tổng cục Du lịch Bali ban hành 6 quy tắc để chấn chỉnh ý thức chung của du khách, trong đó có một quy tắc dành riêng cho du khách nội địa. Song, các nhà chức trách tiếp tục bổ sung thêm 3 và kế đến là thuế du lịch vào ngày 14/2 khi đơn vị nhận thấy bộ quy tắc chưa đủ sức răn đe du khách.
Dẫu vậy, chính quyền địa phương vẫn đang "đau đầu" khi vào 2 tháng đầu tiên thực hiện loại thuế du lịch mới, chỉ có khoảng 40% đã nộp thuế, trong khi đó, trung bình mỗi ngày Bali đón 15.000 khách nước ngoài.
Hiện, chính quyền địa phương Bali chưa đưa ra hình phạt nếu du khách không đóng thuế, nhưng du khách có thể bị giữ lại sân bay cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ.
Tây Ban Nha
Còn tại châu Âu, Tây Ban Nha là một trong số quốc gia đang khốn khổ vì khách du lịch.
Tuy nhiên, tương đối khác với 2 điểm đến trên, người dân xứ sở bò tót không chỉ chịu đựng quá tải du khách, mà còn đối diện với viễn cảnh thiếu nhà ở, thậm chí là phải di cư khi khách du lịch chiếm 43% nơi ở mới tại Barcelona bởi dân địa phương không đủ khả năng chi trả khi giá ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, nhiều du khách "vô tư quá mức" với hành động phản cảm gây phẫn nộ trên đất nước Tây Ban Nha. Đơn cử là trường hợp của Chloe Lopez, influencer người Anh. Nữ du khách với 185.000 người theo dõi trên Instagram thản nhiên quay video cô cởi bỏ nội y và đặt vào khay bánh mì tại siêu thị Mercadona (Tây Ban Nha), theo Euro Weekly News.
Không thể chịu đựng hành vi của du khách và sức ép từ giá nhà ở, người dân khắp Tây Ban Nha (như Granada, Barcelona, Seville, Málaga) xuống đường biểu tình, hô vang khẩu hiệu "Tourists, go home! (tạm dịch: Du khách, hãy quay về nước đi!)", bắn súng nước... làm mọi cách để đuổi du khách khắp lãnh thổ hồi cuối tháng 6, theo Guardian.
Chính quyền một số địa phương cũng không thể ngồi yên. Ở khu vực phía Nam Tây Ban Nha, cụ thể là văn phòng thị trưởng thành phố Sevilla. Đơn vị phát thông báo cơ quan đang rà soát tất cả căn hộ nghỉ dưỡng trong khu vực và yêu cầu công ty địa phương Emasesa cắt nguồn nước đối với trường hợp không tuân thủ quy định vào đầu tháng 8, để tiễn khách, theo Independent.
Quốc gia đầu tiên được mệnh danh là "đất nước mặt trời không bao giờ lặn" thu hút nhiều khách du lịch đứng thứ 2 thế giới năm 2023, theo World Population Review (WPR), tổ chức độc lập về điều tra dân số và nhân khẩu học tại Mỹ.
Trong đó, Barcelona là nơi đón lượng du khách "khủng" hàng năm. Chính phủ dự đoán con số sẽ tăng lên đến 100 triệu lượt khách từ mức 83,7 triệu lượt vào năm 2024, hơn gấp đôi dân số nước này.
"Cảm giác mọi thứ đã đạt đến đỉnh điểm và sắp bùng nổ", tờ Guardian bình luận về ngành du lịch Tây Ban Nha.
Italy
Venice là một trong số thành phố đối diện với lượng khách áp đảo dân địa phương, gần đây là Santorini.
Tại Venice, du khách cuồng "sống ảo" chủ yếu khoe những tấm ảnh, đoạn video đang lênh đênh qua các con rạch, chầm chậm quan sát công trình trong thành phố trên chiếc thuyền gondola có từ thế kỷ 11. Tuy nhiên, không ít du khách bị ngã hoặc tử nạn vì mãi mê chụp ảnh, bất chấp lời khuyên từ người lái đò.
Vào giữa tháng 12/2023, Guardian đưa tin một chiếc gondola bị lật úp gần quảng trường St Mark do nhóm du khách liên tục di chuyển tìm góc chụp ưng ý trên thuyền.
Còn tại Santorini, năm nay, "đảo thiên đường" chứng kiến lượng khách lên đến 17.000 người/ngày. Trong khi đó, dân số của đảo chỉ là 20.000 người, theo Reuters.
Đáng lưu ý, khách du lịch không ở lại đảo lâu hay lưu trú dài ngày. Họ chỉ đến, chen chúc tại các con hẻm, vách đá chờ ghi lại cảnh hoàng hôn sắc đỏ đặc trưng (điểm hút khách của thành phố), sau đó rời đi, theo CNN.
Ngoài hiện tượng thiên nhiên khi chiều tà, hệ thống nhà, cơ sở lưu trú được sơn đồng bộ màu trắng, cửa xanh cũng là điểm ăn khách tại đảo.
Chính quyền địa phương và cư dân Santorini kêu gọi giới hạn du khách để giữ gìn sự quyến rũ của hòn đảo cũng như hạn chế tình trạng quá tải. Thị trưởng Nikos Zorzos đề xuất giảm số lượng du khách di chuyển bằng tàu du lịch từ khoảng 17.000 du khách hàng ngày xuống chỉ còn 8.000.