'Ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc'

Từng tham gia góp phần làm nên chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 50 năm trước, câu chuyện của những chiến sĩ năm xưa như giai điệu góp vào bản hòa ca khơi dậy tinh thần yêu nước, lý tưởng sống và ý chí vươn lên.

 Từ phải sang: Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; bác sĩ, TS. Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 kể lại kỷ niệm tham gia trận chiến lịch sử tháng 4.1975. Ảnh: Nam Nguyễn

Từ phải sang: Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; bác sĩ, TS. Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 kể lại kỷ niệm tham gia trận chiến lịch sử tháng 4.1975. Ảnh: Nam Nguyễn

"Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh kẻ thù"

Ngày 23.4, NXB Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Tọa đàm “Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”. Trong dáng vóc phong sương của một người đã trui rèn qua chiến tranh, với giọng hào sảng, Thiếu tướng, GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Tài kể lại quyết tâm lên đường nhập ngũ vào mùa thu năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, ác liệt.

Tháng 6.1972, ông nhận được giấy gọi vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng lúc đó, giấy gọi nhập ngũ gửi về. “Tôi chợt nhớ đề thi tốt nghiệp môn văn bấy giờ phân tích câu nói của Anh hùng Lê Bá Lương (người được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 21 tuổi đời và 4 tuổi quân): Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh kẻ thù. Dù ham học, tôi quyết định nhập ngũ. Sau này nhiều người hỏi, tôi thú thực quyết định ấy không dễ dàng, nhưng không bao giờ nuối tiếc vì đã lên đường giải phóng dân tộc. Chỉ một suy nghĩ: Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc, trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 341 (Quân khu 4) năm ấy, tôi cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường B”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài kể.

Trong dòng người vào chiến trường B khi đó còn có chàng thanh niên 16 tuổi Đàm Duy Thiên. Lúc bấy giờ, nhìn vóc dáng nhỏ bé chỉ nặng khoảng 40kg ấy, ai cũng e ngại nếu đi mấy chục kilomet đường rừng, trèo đèo lội suối, vượt mưa bom bão đạn chắc Thiên không sống được. Thế mà chiến sĩ “bé hạt tiêu” ấy lại có tài vẽ rất giỏi và ghi nhớ rất nhanh nên được cấp trên cho đi bồi dưỡng rồi gắn bó với công tác “xây dựng quyết tâm chiến đấu”.

 Phỏng lại bản đồ trận Xuân Lộc do trinh sát Đàm Duy Thiên, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, hoàn thiện. Nguồn: NVCC

Phỏng lại bản đồ trận Xuân Lộc do trinh sát Đàm Duy Thiên, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, hoàn thiện. Nguồn: NVCC

Bác sĩ, TS. Đàm Duy Thiên, nguyên trinh sát, làm công tác đồ bản thuộc Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, cho biết, “xây dựng quyết tâm chiến đấu” là thuật ngữ chỉ việc vẽ bản đồ. Thời đó, quân ta đánh đến đâu được phát bản đồ đến đấy. Nhiệm vụ của ông là nhớ địa hình, địa danh, cấp trên nhắc là phải nhớ và trả lời ngay khi được hỏi. Trong mỗi đơn vị tác chiến, bên cạnh chỉ huy, hai đối tượng được quan tâm nhất là người vẽ bản đồ và cơ yếu (người dịch mật mã). Chỉ sai sót một chút hay không may bị địch bắt là cả đơn vị có thể bị xóa sổ. Thời đó cũng không có bàn ghế, dụng cụ để vẽ, mọi công tác chủ yếu làm dưới hầm, trong ánh đèn mờ.

“Vẽ bản đồ sai một ly không chỉ đi một dặm mà là tương đương với sai 12km ngoài thực địa, thiệt hại khôn lường. Lính pháo binh đi cùng người vẽ bản đồ để lấy tư liệu, sau đó lên đài quan sát lập tọa độ. Vì địch di chuyển liên tục, bản đồ tác chiến nhiều lần phải tẩy đi xóa lại, dựa vào quân báo, biệt động, tình báo, dùng cả trí tưởng tượng để lập tức đánh dấu địa bàn, vị trí quân ta, quân địch”, người lính trinh sát năm xưa kể lại.

“Bản lề” cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng

Tháng 2.1975, Sư đoàn 341 (Sư đoàn Sông Lam) lên đường hành quân vào mặt trận B2 (Đông Nam Bộ), trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Cả chiến sĩ Nguyễn Văn Tài và trinh sát Đàm Duy Thiên cùng trong đội hình Quân đoàn 4 trên cánh quân phía đông tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trong trận đánh Xuân Lộc, trinh sát Đàm Duy Thiên được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ tác chiến của Trung đoàn 266. Từ khảo sát thực tế, trên bản đồ ông đã vẽ từng hướng, mũi tấn công, phòng ngự của ta cũng như các chốt phòng ngự của địch một cách chính xác và chi tiết đến cấp đại đội, nhằm mở “cánh cửa thép” tiến vào Sài Gòn.

“Diện tích Xuân Lộc bấy giờ là hơn 700km2, một Sư đoàn đánh vào vùng lớn như thế là cả vấn đề. Để đánh thắng Xuân Lộc phải thuộc địa bàn xung quanh. Tình hình lúc đó căng thẳng, ác liệt nhưng tôi không thấy sợ. Tôi từng gửi thư về dặn bố mẹ hãy coi con vẫn còn sống cho dù có thể con mãi mãi không về. Tôi không sợ chết vì xác định đã đi chiến trường là có hy sinh nhưng tôi thực sự lo, lo không hoàn thành nhiệm vụ, lo rằng trận này nếu vẽ không chính xác là tổn thất không thể đo đếm được”, ông Đàm Duy Thiên xúc động.

Sau 50 năm nhìn lại, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài cho biết, may mắn lớn trong đời lính của ông là tham gia trận Xuân Lộc - thành lũy cuối cùng của địch trước cửa ngõ Sài Gòn. Bấy giờ, Quân đoàn 4 được mệnh danh “quả đấm thép”, là cánh quân tiếp cận chiến trường Xuân Lộc sớm nhất nên được Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Miền quyết định sử dụng làm lực lượng chủ công tại mặt trận Xuân Lộc.

 Bộ đội Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất phía đông Sài Gòn, ngày 21.4.1975. Nguồn: BQP

Bộ đội Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất phía đông Sài Gòn, ngày 21.4.1975. Nguồn: BQP

5 giờ 40 ngày 9.4.1975, Quân đoàn 4 nổ súng tấn công Xuân Lộc. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu. Những ngày sau đó, chiến sự ở Xuân Lộc diễn ra ngày càng ác liệt. Trước tình hình khó khăn, ta đã nghiên cứu, quyết định tổ chức lại lực lượng, thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp chuyển sang thế trận bao vây, cô lập nhằm làm suy yếu lực lượng địch trong thị xã cũng như tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài.

Nhận định Xuân Lộc chỉ có giá trị khi nối liền với Biên Hòa, ta tổ chức đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, Núi Thị, cắt Quốc lộ 1 và chặn đánh quân tiếp viện từ Biên Hòa, Trảng Bom, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa. Ngày 21.4, thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh được giải phóng. Sau chiến thắng Xuân Lộc, tiếp đến Hố Nai, Trảng Bom, Biên Hòa, đoàn quân thẳng tiến về Sài Gòn.

“Chúng tôi tiến vào Sài Gòn trong đà chiến thắng. Sài Gòn ngày 30.4 năm ấy thật đặc biệt. Quân đoàn 2 đã vào giải phóng Sài Gòn trước, chúng tôi vào chậm hơn nhưng được chứng kiến cảnh tượng lịch sử, phía bên này xa lộ đoàn quân ta đang tiến vào trong niềm hân hoan, phía bên kia quân Ngụy lũ lượt đi ngược từ thành phố ra, cởi bỏ hết quân phục để chứng minh đã đầu hàng. Bên đường súng ống, quân trang, quân dụng vứt ngổn ngang. Chúng tôi vào đến thành phố, ngạc nhiên sao Nhân dân nhanh như vậy đã chuẩn bị được cờ và hoa vẫy chào đoàn quân giải phóng. Sài Gòn buổi ấy đẹp biết bao, hòa bình đẹp biết bao!”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài hồi tưởng.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ai-cung-tiec-tuoi-hai-muoi-thi-con-chi-to-quoc-post411241.html
Zalo