Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy
Cuộc đời Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực tuyệt vời về rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính để chúng ta noi theo. Đạo đức của Người luôn được thể hiện một cách mẫu mực, gắn chặt với sự nghiệp phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Bác Hồ luôn căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”(1). Bác nêu rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”(2); “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”.
Từ nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Nhà nước đến các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều hô hào thực hành tiết kiệm, phải chống lãng phí, tham nhũng. Trong các kỳ họp Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều đại biểu đã lên án gay gắt tệ tiêu pha lãng phí, tham nhũng hiện nay.
Tại phiên thảo luận về phòng, chống tội phạm, tham nhũng ở Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024, các đại biểu nhận định: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn. Tuy nhiên, tội phạm về tham nhũng kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý sử dụng đất đai. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 20,55%.
Tham nhũng là bề nổi của “tảng băng chìm”, lãng phí thì lại là vô hình, có thể gây thất thoát không kém gì tham nhũng. Tham nhũng chỉ có một số nơi nhưng lãng phí có khắp mọi nơi dù là việc nhỏ cho đến việc to trên tất cả các lĩnh vực, việc nào cũng có nhưng ít có sự chú ý,...
Lãng phí trở thành một vấn đề nghiêm trọng, điển hình, nổi lên gay gắt hiện nay như chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Lãng phí thời gian; lãng phí tiền bạc; lãng phí công sức khi làm việc không rõ mục tiêu, đi không đúng hướng, hiệu suất lao động thấp. Lãng phí cơ hội phát triển; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí nguồn lực con người; lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
Lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, tình trạng lập dự án để tranh thủ nguồn vốn tài trợ, vốn vay, vốn đầu tư công trong khi chưa có nhu cầu cấp thiết. Việc này dẫn đến công trình sau khi hoàn thành không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Tình trạng đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài thời gian do không bố trí đủ nguồn vốn, làm đội vốn lên gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu, một số dự án phải dừng thi công, sau nhiều năm không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao.
Do vậy, phải xem chống lãng phí là trách nhiệm lớn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài.
Những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, Trung ương, địa phương phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc học tập Bác về tinh thần tiết kiệm, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, lãng phí và phòng, chống tham nhũng.
Rõ ràng, vấn đề tiết kiệm đặt ra trong thời điểm hiện nay là rất hệ trọng, cấp thiết khi thị trường vốn, tiền tệ trở thành một đòi hỏi bức thiết của đất nước ta trong quá trình hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng 4.0.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm”. “Chúng ta phải tiết kiệm thời gian (rút ngắn thời gian đối với công việc), chúng ta phải tiết kiệm sức lao động (giảm người đối với việc, để làm việc khác). Chúng ta phải tiết kiệm tiền của (giảm tiền chi cho việc)”.
Tiết kiệm phải trở thành một quốc sách hàng đầu của đất nước. Và đi cùng với tiết kiệm, chúng ta phải kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,... vì tiết kiệm mà để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, hối lộ, cố ý làm trái, lãng phí thì sẽ không mang lại hiệu quả gì cho đất nước, lợi ích gì cho nhân dân.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; chạy chức, chạy quyền hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi,...
Trước đây, tham nhũng chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, đầu tư, song nay tệ nạn này đã lan sang cả các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, hành chính, dịch vụ công và cả trong hoạt động từ thiện, phòng, chống dịch bệnh,... Lo lắng hơn là tham nhũng còn diễn ra ngay trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật,... gây bức xúc trong nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm giàu cho đất nước hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng trong giai đoạn cách mạng mới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị, cá nhân khu vực công, khu vực tư về tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai hiệu quả thể chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi tham nhũng, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.
Ba là, chú trọng giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước.
Bốn là, cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự cần, kiệm, liêm, chính và tâm huyết vì nước, vì dân. Kiên quyết đấu tranh với những cán bộ hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển.
Năm là, các cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng như kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án,... cần tăng cường hơn nữa trong phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân, nhất thiết pháp luật phải xử lý nghiêm những đối tượng tham ô, nhũng nhiễu, lãng phí,... của đất nước, của nhân dân, bởi nói như cụ Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”(3).
Nguyễn Thanh Hoàng
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t.7, tr.357
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.345
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t.5, tr 641.