Ai có nguy cơ mắc viêm da dị ứng?

Viêm da dị ứng là bệnh lý mạn tính thường gặp của da. Viêm da dị ứng làm cho da trở nên nóng, ngứa, khô và tróc vảy.

Khi bạn mắc viêm da dị ứng, bạn có thể đồng thời bị một bệnh lý khác như hen hoặc viêm mũi dị ứng. Viêm da dị ứng có thể làm bạn ngứa rất nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng

Yếu tố di truyền: Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh liên quan về dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng,…
Yếu tố môi trường: đây là yếu tố khiến bệnh khởi phát và nặng hơn. Bao gồm: thức ăn (điển hình có một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, sữa…).
Dị ứng với một số loại thuốc.
Dị ứng thời tiết cực đoan như quá nóng, quá lạnh hoặc chuyển mùa đột ngột.
Chất liệu quần áo, giày dép.
Chất tẩy rửa, hóa chất trong công việc, cuộc sống hàng ngày.
Môi trường ô nhiễm, khói bụi.

Viêm da dị ứng có thể làm bạn ngứa rất nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

Viêm da dị ứng có thể làm bạn ngứa rất nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày.

Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm da dị ứng

Triệu chứng phổ biến gồm:

Xuất hiện các sẩn nhỏ, có mảng da màu đỏ hoặc xám nâu ở tay, chân, mắt cá, cổ tay, cổ, ngực, mí mắt, bên trong vùng khuỷu tay hay đầu gối.
Da dày, sần, khô, tróc vảy, nhạy cảm có thể sưng lên do cào gãi.

Đặc điểm chung của các bệnh viêm da dị ứng là tái phát nhiều lần. Đối với trẻ sơ sinh, triệu chứng của bệnh thường xuất hiện sớm, vào khoảng từ 2 đến 3 tháng tuổi.

Vùng da khô thường xuất hiện trên mặt, da đầu và có thể gây ra chứng mất ngủ ở trẻ. Khi viêm da dị ứng khởi phát ở 2 tuổi, trẻ thường xuyên bị phát ban trên nếp gấp của khuỷu hay gối. Vùng da trở nên dày hơn do cào gãi.

Triệu chứng ở người lớn thì khác với trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn. Viêm da dị ứng có thể bắt đầu xuất hiện trên cả cơ thể, làm da khô và tróc vảy. Bệnh viêm da dị ứng ở người lớn thường gặp gồm có: mề đay, viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da cơ địa.

Ai có nguy cơ mắc viêm da dị ứng?

Viêm da dị ứng là căn bệnh mà đa số ai cũng có thể bị mắc phải. Tỷ lệ mắc bệnh của người châu Á chiếm khoảng 13%, khoảng 11% là người da trắng, 10% là người da đen và 13% là người Mỹ bản địa.

Viêm da dị ứng rất phổ biến và trẻ em rất dễ mắc bệnh này. Bệnh có thể bắt đầu trước khi trẻ được 5 tuổi và có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành. Ở một số trẻ, dị ứng da có thể cải thiện và biến mất theo thời gian. Bệnh thường gặp ở những người có người thân mắc bệnh chàm, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.

Đối với người lớn, những người có ba mẹ, người thân trong gia đình hoặc bản thân đã từng mắc bệnh viêm da dị ứng, hoặc có da khô và nhạy cảm, có nguy cơ cao bị viêm da dị ứng. Vùng da bị viêm da dị ứng ở người lớn thường tập trung ở bàn tay hoặc bàn chân.

Điều trị bệnh viêm da dị ứng

Điều trị bệnh viêm da dị ứng là sự phối hợp giữa việc dùng thuốc, chăm sóc da và thay đổi lối sống. Để sử dụng thuốc và chăm sóc da đúng cách, người bệnh cần thăm khám trực tiếp với Bác sĩ để xác định tình trạng bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị và biện pháp chăm sóc da phù hợp điều trị bệnh dị ứng:

Điều trị triệu chứng gồm: sát trùng, chống viêm, giảm đau, giảm ngứa.
Điều trị nguyên nhân: loại bỏ bằng được dị nguyên gây bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt phù hợp để bệnh không tái phát như:

Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh.
Thường xuyên giữ ẩm cho da.
Tránh để da trầy xước như gãi hoặc chà xát vào da,…
Tắm bằng nước ấm phù hợp.
Bảo vệ vùng da tổn thương bằng gạc mỏng, tránh để tiếp xúc với bụi bẩn.

Tóm lại: Bệnh viêm da dị ứng không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng khá nhiều tới sinh hoạt và tâm lý người bệnh, nhất là với trẻ em. Bệnh có thể kéo dài cả đời nhưng may mắn là kiểm soát được nhờ vào nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn.

Điều quan trọng là cần bảo vệ và chăm sóc da để hạn chế các yếu tố kích ứng, từ đó giảm bớt tần suất xuất hiện phản ứng dị ứng ở da. Do đó, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

BS. Nguyễn Tiến Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-co-nguy-co-mac-viem-da-di-ung-169241215143712257.htm
Zalo