Ai có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến giáp?
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu là các tế bào ung thư khu trú ở tuyến giáp mới bắt đầu phát triển. Đây cũng là giai đoạn rất khó phát hiện bệnh nếu không đi khám sức khỏe định kỳ.
Vậy nên, ung thư tuyến giáp cần điều trị càng sớm càng tốt. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến điều trị khó khăn hơn so với giai đoạn sớm.
60 tuổi mắc hai thể ung thư tuyến giáp
Bà T. 60 tuổi phát hiện nhân giáp ở thùy phải khoảng 2 năm trước, lúc đó các nhân có kích thước nhỏ, 3.7x1.8 mm (phân độ TIRADS 3 - nguy cơ ác tính thấp) và 4.1x3.7mm (phân độ TIRADS 4 - dấu hiệu nghi ngờ ác tính), bà tái khám mỗi 6 tháng.
Một năm sau, một trong các nhân đã tăng lên TIRADS 5 - mức nghi ngờ ác tính cao. Bác sĩ tư vấn thực hiện chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA), bệnh nhân từ chối do sợ phẫu thuật. Bà T. tự tìm hiểu các phương pháp dân gian, sử dụng thảo dược, ăn kiêng, trì hoãn can thiệp.
Đến tháng 3/2025 bà T. tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kết quả cho thấy, nhân tăng kích thước rõ rệt, hai nhân giáp thùy phải (7x5x5 mm và 3x2 mm) phân độ TIRADS 5, cộng thêm những nhân bọt biển và nang giáp thùy trái, TIRADS 1. Bà T đồng ý thực hiện FNA, kết quả xác định ung thư tuyến giáp dạng nhú (carcinôm dạng nhú).
Bà T đã được các bác sĩ phẫu thuật, sau hai giờ, toàn bộ tuyến giáp được bóc tách hoàn toàn, hạn chế tổn thương dây thần kinh, tuyến cận giáp. Kết quả mô bệnh học xác nhận thùy phải tuyến giáp có hai ổ với hai thể ung thư. Một ổ là ung thư thể nhú biến thể thông thường, ổ còn lại là ung thư thể nhú biến thể nang.

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào bình thường trong tuyến giáp biến đổi bất thường và phát triển không kiểm soát.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp, một cơ quan nội tiết quan trọng nằm ở vùng cổ, có hình dạng như con bướm với hai thùy được nối bởi eo giáp trạng. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào bình thường trong tuyến giáp biến đổi bất thường và phát triển không kiểm soát.
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định rõ ràng. Tuy vậy, có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp. Những bệnh nhân đã từng điều trị tia xạ vùng cổ, hoặc những người tiếp xúc với lượng phóng xạ lớn sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Một yếu tố khác phải kể đến là tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có người bị ung thư tuyến giáp, hoặc một số hội chứng có liên quan, nguy cơ mắc bệnh của chúng ta cũng cao hơn. Dù vậy, chỉ một lượng nhỏ bệnh nhân ung thư tuyến giáp có liên quan tới yếu tố di truyền.
Ai có khả năng cao mắc ung thư tuyến giáp?
Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở nhiều đối tượng khác nhau, nhưng một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dưới đây là những trường hợp dễ có khả năng mắc bệnh:
Tiền sử gia đình: Người có gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc các bệnh lý tuyến giáp khác sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn.
Phụ nữ: Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn so với nam giới.
Độ tuổi từ 25-65: Ung thư về tuyến giáp thường được phát hiện nhiều nhất ở độ tuổi 25-65.
Người già: Mặc dù nguy cơ ung thư về tuyến giáp có thể tăng lên khi tuổi tác cao, nhưng bệnh vẫn có thể gặp ở những người trẻ.
Người châu Á: Một số nghiên cứu cho thấy người dân ở các khu vực Châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các nhóm dân tộc khác.
Tiếp xúc bức xạ: Những người có tiền sử tiếp xúc với các loại bức xạ, sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư.
Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng. Bạn có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ.
Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm:
Khàn tiếng
Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản
Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...
Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác mà không phải là ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên khi có những triệu chứng này, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.