Agriseco gợi ý các cơ hội đầu tư đón sóng KQKD
Agriseco Research lựa chọn ra 5 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý IV/2024 và cả năm 2024 gồm bán lẻ, thép, logistics, xây dựng và dệt may.
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agribank (Agriseco), hiện nay thị trường đang chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024, thống kê cho thấy giai đoạn cuối tháng 12 và các tháng đầu năm VN-Index thường khởi sắc nhờ nhiều hiệu ứng, bao gồm từ sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn.
Agriseco Research lựa chọn ra 5 nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý IV/2024 và cả năm 2024 gồm bán lẻ, thép, logistics, xây dựng và dệt may.
Với nhóm bán lẻ, Agriseco đưa ra các luận điểm khả quan như lợi nhuận quý IV/2024 kỳ vọng duy trì tăng trưởng mạnh: Dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ có thể tăng khoảng 150 - 180% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, quý IV mọi năm thường là mùa cao điểm khi nhu cầu bán lẻ tiêu dùng gia tăng mạnh trong dịp lễ Tết. Agriseco Research dự báo lợi nhuận toàn ngành bán lẻ có thể tăng 30 - 40% so với quý III nhờ yếu tố mùa vụ. Mặt khác, động lực của nhóm bán lẻ cũng đến từ tăng trưởng lượng khách du lịch. Các cổ phiếu tiềm năng được nhóm phân tích đưa ra là MWG, FRT.
Nhóm thép cũng có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao do trong quý IV/2024 khi sản lượng bán hàng thép sẽ tăng 15 - 20% so với cùng kỳ được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng từ 30 - 40% so với cùng kỳ nhờ các chính sách hỗ trợ tái thiết và phục hồi sau bão của Chính phủ cũng như cuối năm là đợt cao điểm đẩy mạnh các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, xuất khẩu dự kiến giảm 15 - 18% so với cùng kỳ (chủ yếu giảm xuất khẩu HRC) do Trung Quốc dư thừa nguồn cung và gặp rào cản bởi các chính sách bảo hộ ngành thép nội địa trên thế giới.
Cùng với đó, kết quả kinh doanh của toàn ngành cũng được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận gộp toàn ngành thép cải thiện nhờ giá quặng sắt và giá than cốc giảm khoảng 30% so với cùng kỳ trong khi đó giá bán xây dựng chỉ giảm khoảng 1% so với cùng kỳ đồng thời tiêu thụ hết hàng tồn kho giá cao trong quý trước. Kênh xuất khẩu cũng được hưởng lợi nhờ giá cước vận tải biển đã hạ nhiệt so với quý III/2024 giúp giảm chi phí bán hàng.
Với nhóm logistics, Agriseco dự báo tổng sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng tăng trưởng tích cực, giá cước vận tải biển, giá thuê tàu định hạn ở mức cao.
Mặt khác, đây cũng là ngành hưởng lợi từ xu hướng trong ngành cảng biển với xu hướng các hãng tàu quốc tế sẽ gia tăng kích cỡ tàu nhằm giảm thời gian cũng như giảm chi phí vận chuyển do bối cảnh chiến sự diễn biến phức tạp làm kéo dài các tuyến hải trình nhưng nhu cầu thương mại vẫn ở mức cao. Do đó, các cảng nước sâu với khả năng có thể đón tiếp tàu trọng tải lớn sẽ được ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu của các hãng tàu.
Các doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển đang đẩy mạnh đầu tư trẻ hóa đội tàu hoặc mở rộng công suất cảng. Với GMD, doanh nghiệp đang tiến hành mở rộng công suất tại cảng Gemalink và Nam Đình Vũ, với tổng công suất tăng thêm dự kiến khoảng 1,4 triệu TEU/năm, tương đương 40% công suất thiết kế hiện tại. Với HAH, doanh nghiệp đã nhanh chóng mở rộng đội tàu trong 1 - 2 năm vừa qua và vẫn tiếp tục hướng đến việc trẻ hóa đội tàu nhằm củng cố năng lực vận chuyển hàng hóa.
Đối với ngành xây dựng, nhu cầu cơ sở hạ tầng tăng mạnh hỗ trợ cải thiện khối lượng công việc. Song song đó, thị trường bất động sản hồi phục rõ nét, tăng nhu cầu xây dựng. Dòng vốn FDI ổn định hỗ trợ phân khúc xây dựng công nghiệp. Các cổ phiếu tiềm năng được nhóm phân tích đưa ra là CTD, HHV, VCG.
Với nhóm dệt may, lượng đơn hàng các doanh nghiệp dệt may trong quý IV ghi nhận tăng trưởng nhờ nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục gia tăng cho mùa cao điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được hưởng lợi từ lượng lớn đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh bởi bất ổn địa chính trị tại quốc gia này. Giai đoạn sắp tới, kỳ vọng lượng đơn hàng may mặc sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam trước những lo ngại về việc ông Trump gia tăng mức thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc như TNG hay MSH đều đã đầu tư thêm các chuyền may và gia tăng công suất phù hợp với nhu cầu gia tăng hiện tại. Cụ thể, TNG đã tăng thêm 15- 20% công suất trong năm 2024 và tiếp tục mở thêm các chuyền may vào năm sau. Trong khi đó, MSH cũng đưa vào vận hành nhà máy Xuân Trường II với quy mô 50 chuyền may trong đầu năm 2025 giúp tăng thêm 20 - 25% công suất.