ADB và IFFEd hợp tác tài trợ giáo dục ưu đãi tại châu Á và Thái Bình Dương
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký một thỏa thuận với Quỹ Tài chính cho Giáo dục quốc tế (IFFEd) - mang lại ít nhất 500 triệu USD nguồn vốn tài trợ giáo dục ưu đãi mới cho các quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) tại châu Á và Thái Bình Dương.
Theo đó, trong khuôn khổ quan hệ đối tác tài trợ này, IFFEd – một quỹ Thụy Sĩ do các chính phủ hậu thuẫn, được thành lập năm 2023 để đầu tư vào giáo dục và kỹ năng tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp – sẽ bảo lãnh 125 triệu USD cho rủi ro khoản vay theo kênh tài trợ chính phủ của ADB trên tất cả các lĩnh vực, được gọi là danh mục đầu tư tổng hợp và cung cấp một khoản viện trợ ban đầu trị giá 50 triệu USD.
Bằng cách kết hợp bảo lãnh của IFFEd cho ADB với các khoản viện trợ bằng 10% của mỗi khoản vay, thỏa thuận đầu tiên theo hình thức này tạo điều kiện cho tỉ lệ đòn bẩy cao gấp 4 lần khoản bảo lãnh, gia tăng số vốn mà ADB có thể cho vay trong khi giảm bớt chi phí vay cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ngân hàng.
Các quốc gia thu nhập trung bình thấp đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục. Hơn 50% số học sinh tới độ tuổi lên 10 tại các quốc gia này không thể đọc trôi chảy một văn bản đơn giản dù có đi học và sinh viên tốt nghiệp không có các kỹ năng để tìm việc làm, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động.
Với việc mang lại nguồn viện trợ hoặc nguồn tài chính ưu đãi cho các quốc gia đang phát triển mong muốn củng cố hệ thống giáo dục của mình, tính đổi mới then chốt của quan hệ đối tác ADB-IFFEd nằm ở thực tế rằng – trong một thời đại đang thay đổi nhanh chóng – nó sẽ giúp các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB chuẩn bị cho một tương lai được đặc trưng bởi chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, chuyển dịch nhân khẩu học và đô thị hóa nhanh chóng.
Bà Fatima Yasmin, Phó chủ tịch ADB phụ trách các Lĩnh vực và Chủ đề, chia sẻ: "Giáo dục là nền tảng của các xã hội hiện đại, thịnh vượng và bao trùm. Chúng tôi rất vui mừng được công bố quan hệ đối tác này với IFFEd. Bằng cách tập hợp nguồn tài chính xúc tác và ưu đãi, sáng kiến này có nghĩa là các quốc gia thành viên đang phát triển thu nhập trung bình thấp của chúng tôi có thể mở rộng quy mô đầu tư cho giáo dục và kỹ năng – những yếu tố then chốt để xây dựng nền kinh tế tri thức – đồng thời với các lĩnh vực khác”.
Các nhà tài trợ chính phủ của IFFEd bao gồm Canada, Thụy Điển và Vương quốc Anh, trong khi Quỹ Atlassian, Quỹ Jacobs, Porticus, Quỹ Rockefeller và Quỹ Phát triển kinh tế Soros (bộ phận đầu tư của Quỹ Xã hội mở) cung cấp vốn mồi. Được hưởng lợi từ xếp hạng tín dụng mạnh, IFFEd ban đầu sẽ tập trung vào châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, thông qua hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương (MDB).
Các dự án giáo dục do IFFEd tài trợ có thể hỗ trợ các chương trình của ADB ở mọi cấp của hệ thống giáo dục, từ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tới giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng và giáo dục đại học.
Các quốc gia thành viên đang phát triển sau đây của ADB hiện đủ điều kiện nhận tài trợ của IFFEd: Bangladesh, Ấn Độ, Mông Cổ, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Sri Lanka, Timor Leste, Uzbekistan và Việt Nam.