ADB dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á đang phát triển ở mức 4,9%
Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 4,9% trong năm nay, khi khu vực này tiếp tục tăng trưởng bền bỉ trong bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ, xuất khẩu chất bán dẫn cải thiện và du lịch phục hồi.
Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 11/4, tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức tương tự trong năm tới. Bên cạnh đó, lạm phát dự kiến sẽ ở mức vừa phải trong năm 2024 và năm 2025, sau khi được thúc đẩy bởi giá lương thực tăng cao ở nhiều nền kinh tế trong 2 năm qua.
Tăng trưởng mạnh hơn ở Nam và Đông Nam Á, nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đang bù đắp cho sự chậm lại ở nền kinh tế Trung Quốc do sự suy yếu của thị trường bất động sản và mức tiêu dùng sụt giảm. Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong khu vực, với mức tăng trưởng 7% trong năm nay và 7,2% trong năm tới. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm tiếp theo.
Ông Albert Park, nhà kinh tế trưởng của ADB cho hay: “Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định của phần lớn các nền kinh tế ở khu vực châu Á đang phát triển trong năm nay và năm tới. Niềm tin của người tiêu dùng đang được cải thiện và hoạt động đầu tư nhìn chung có khả năng phục hồi nhanh. Nhu cầu bên ngoài dường như đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là đối với chất bán dẫn”.
Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng bởi có một số rủi ro, bao gồm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sự không chắc chắn về chính sách tiền tệ của Mỹ, ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, và sự suy yếu hơn nữa của thị trường bất động sản ở Trung Quốc.
Lạm phát ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,2% trong năm nay và 3% vào năm tới, do áp lực giá cả toàn cầu giảm bớt và chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với khu vực này (không bao gồm Trung Quốc), lạm phát vẫn cao hơn so với trước đại dịch COVID-19.
Giá gạo đã góp phần làm tăng lạm phát lương thực, nhất là đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo báo cáo nói trên, giá gạo có thể sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm nay. Các nguyên nhân bao gồm mất mùa do thời tiết bất lợi và các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Ngoài ra, chi phí vận chuyển toàn cầu tăng do các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và hạn hán ở Kênh đào Panama cũng có thể làm tăng thêm lạm phát ở châu Á.
Nhằm giải quyết vấn đề giá gạo tăng cao và bảo vệ an ninh lương thực, các chính phủ có thể đưa ra những khoản trợ cấp có mục tiêu cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, và tăng cường tính minh bạch cũng như giám sát thị trường để ngăn chặn việc thao túng giá cả và đầu cơ. Trong trung và dài hạn, chính sách cần tập trung vào việc thiết lập nguồn dự trữ gạo chiến lược để ổn định giá cả, thúc đẩy canh tác bền vững và đa dạng hóa cây trồng, đồng thời đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất. Hợp tác khu vực cũng có thể giúp quản lý giá gạo và tác động liên quan.