ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6%, cảnh báo rủi ro mới

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026, sau khi tăng mạnh ở mức 7,1% vào năm ngoái. Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, nhưng ADB cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với tăng trưởng khi các dự báo này được tính toán trước khi Hoa Kỳ công bố các biện pháp thuế quan.

Sáng ngày 9/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 năm 2025.

Chia sẻ tại họp báo công bố báo cáo ADO tháng 4/2025, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty cho rằng, tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất cho xuất khẩu phục hồi tích cực và đầu tư trực tiếp nước ngoài ở mức cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Mặc dù duy trì triển vọng tích cực cho Việt Nam trong năm nay và năm sau, báo cáo ADO tháng 4/2025 cũng nhấn mạnh những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng, khi các dự báo này được tính toán trước khi Hoa Kỳ công bố các biện pháp thuế quan vừa qua. "Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế gần đây, cùng những bất ổn toàn cầu đang tiếp diễn, có thể đặt ra các thách thức đáng kể cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay", ông Shantanu Chakraborty, giám đốc ADB Việt Nam nhận định.

Họp báo ADB

Họp báo ADB

Cụ thể, môi trường kinh tế toàn cầu thay đổi, chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố về mức thuế gần đây của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị, đặt ra những thách thức lớn đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Những bất ổn bên ngoài, như leo thang thuế quan, các biện pháp trả đũa, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, tình hình bất ổn đang tiếp diễn tại Trung Đông… có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn tới trung hạn. Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm lại tại Hoa Kỳ và Trung Quốc - các đối tác thương mại lớn của Việt Nam - có thể ảnh hưởng hơn nữa tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, phân tích so sánh với các quốc gia ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm có thặng dư thương mại cao với Hoa Kỳ, nên nguy cơ bị áp thuế cũng lớn hơn. Trong khi một số nước như Singapore, Philippines có tỷ lệ thấp do nhập siêu, thì Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia… đều có mức thặng dư cao. Do vậy, việc các nước Đông Nam Á bị áp thuế nặng hơn là dễ hiểu. Các nước đang tìm cách phản ứng phù hợp, nhưng đến nay vẫn còn quá sớm để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực sự.

Phân tích sâu hơn, ông Hùng cho biết các chính sách thuế quan từ phía Hoa Kỳ đang tạo ra sự bất định, khiến nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có thể có tâm lý "trì hoãn" quyết định mới. Do chưa rõ ràng ngưỡng áp thuế cuối cùng cũng như thời gian kéo dài bao lâu, các nhà đầu tư có xu hướng "chờ xem", đặc biệt khi yếu tố chính trị như khả năng nhiệm kỳ tiếp theo của cựu Tổng thống Donald Trump vẫn còn bỏ ngỏ. Trong bối cảnh đó, phản ứng nhanh và có chuẩn bị của Chính phủ Việt Nam được đánh giá là tích cực, tuy nhiên phía Hoa Kỳ vẫn chưa có tín hiệu sẵn sàng đàm phán, vì vậy cần tiếp tục theo dõi.

Tuy nhiên, Giám đốc ADB lưu ý rằng Việt Nam vẫn có vị thế kinh tế khá vững chắc trong khu vực, động thái thuế của Hoa Kỳ là một "áp lực" mạnh mẽ hơn để Việt Nam thúc đẩy nhanh việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có mà Việt Nam chưa tận dụng hết tiềm năng.

Trong bối cảnh xu hướng thuế quan gia tăng, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các đối tác như Anh, EU và các nước châu Á như Hàn Quốc... sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu phụ thuộc vào Mỹ và tận dụng vai trò trung tâm kinh tế châu Á. Đây được xem là điểm tích cực để giảm tác động từ thuế quan của Hoa Kỳ.

Khuyến nghị chính sách và định hướng dài hạn, ông Nguyễn Bá Hùng cho biết, để đối phó với thách thức hiện nay, kích thích cầu nội địa là một hướng đi đúng đắn. Việc tăng chi tiêu ngân sách cho hạ tầng, công nghệ, đổi mới sáng tạo không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn nâng cao sức hút FDI.

Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra các chương trình, "gói" hỗ trợ các động lực tăng trưởng. Mới đây nhất, liên quan đến gói hỗ trợ quy mô 500.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược mà Chính phủ đưa ra cũng thể hiện sự sẵn sàng khi ứng phó với kịch bản thuế quan tiếp tục leo thang.

Chính phủ Việt Nam đang hạn chế nợ công và mong muốn giảm vay nước ngoài, song vẫn còn không gian tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy xuất khẩu.

"ADB sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ thông qua các khoản vay phối hợp hoặc hỗ trợ khẩn cấp nếu cần", chuyên gia của ADB bày tỏ.

Trong khi đó, ông Chakraborty tin tưởng Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. “Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước nhanh chóng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn”, ông Chakraborty nói.

Nhấn mạnh vai trò của đầu tư công và phản ứng tài khóa, ông Hùng cho rằng: Thực tế, Chính phủ đã có các bước đi đúng đắn để đa dạng hóa các động lực tăng trưởng. Việc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công, trong đó Quốc hội đã phê duyệt mức đầu tư công năm 2025 lên mức khoảng 36 tỷ USD cao gấp rưỡi so với trước. Tuy nhiên, chuyên gia ADB lưu ý vấn đề thực thi chính sách, khi kết quả thực hiện trong quý I/2025 mới đạt khoảng 13% kế hoạch, cho thấy còn khoảng cách giữa mục tiêu kỳ vọng và thực tế.

"Dù vậy, đây vẫn là cơ hội để kích thích tăng trưởng nếu các biện pháp được triển khai nhanh và hiệu quả hơn", ông Nguyễn Bá Hùng nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/adb-du-bao-kinh-te-viet-nam-tang-truong-6-6-canh-bao-rui-ro-moi-1106011.html
Zalo