Hiện tượng 'ảo ảnh đỏ' sẽ tái diễn ở bầu cử tổng thống Mỹ?

Gần đến ngày bầu cử quốc gia Mỹ 5/11, trong dư luận càng có nhiều ý kiến đề cập đến khả năng xảy ra hiện tượng 'ảo ảnh đỏ' trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm nay.

Hiện tượng “ảo ảnh đỏ” hay còn có tên gọi khác là “sự chuyển dịch xanh” ám chỉ lợi thế dẫn trước rõ ràng của đảng Cộng hòa trước đảng Dân chủ ngay sau khi quá trình bỏ phiếu kết thúc vào đêm bầu cử, rốt cuộc bị xóa bỏ do việc kiểm phiếu gửi qua thư trong những ngày sau đó.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và đối thủ Kamala Harris. Ảnh: Telegraph

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và đối thủ Kamala Harris. Ảnh: Telegraph

Theo CNN, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng viện dẫn hiện tượng “ảo ảnh màu đỏ” để chứng minh cho những cáo buộc vô căn cứ của ông về gian lận bầu cử. Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích, điều này là do sự gia tăng bỏ phiếu qua thư và các quy định đặc biệt về thời điểm có thể kiểm đếm những lá phiếu đó.

Giai đoạn kịch tính trong bầu cử tổng thống năm 2020

Khi hầu hết người Mỹ đi ngủ vào đêm bầu cử tổng thống 3/11/2020, kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng. Cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm là Trump của đảng Cộng hòa và đối thủ Dân chủ Joe Biden vẫn chưa ngã ngũ tại các bang chiến địa là Arizona, Bắc Carolina, Nevada, Wisconsin, Michigan, Maine, Georgia và Pennsylvania.

Những ngày tiếp theo là khoảng thời gian kịch tính để theo dõi việc kiểm đếm phiếu bầu ở các bang nói trên. Kết quả cập nhật liên tục không cho thấy sự dẫn đầu của ông Biden ở bang Georgia cho đến tận sáng sớm 6/11, khi các lô phiếu nhỏ được kiểm đếm, ảnh hưởng đến toàn cuộc.

4 ngày sau ngày tổng tuyển cử, một số hãng thông tấn đã dự đoán ông Biden thắng cử, nhưng quá trình kiểm phiếu vẫn tiếp tục. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, tính trung bình, các hạt ông Biden giành chiến thắng thường lộ diện chậm hơn so với các hạt thuộc về ông Trump.

Các bang kiểm phiếu chậm nhất bao gồm những bang như California, nơi có nhiều cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và những khu vực mọi cử tri đã đăng ký bỏ phiếu qua thư. Điều đó đồng nghĩa “sự chuyển dịch xanh” trong số phiếu phổ thông vẫn có thể xảy ra nhiều ngày sau thời điểm tổng tuyển cử.

Quan trọng hơn, mặc dù các hãng thông tấn có thể dự báo người chiến thắng nhờ khảo sát tại điểm bỏ phiếu và kết quả cập nhật kiểm phiếu, nhưng cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng chỉ chính thức ngã ngũ một thời gian sau đó. Thời hạn chứng nhận kết quả khác nhau tùy theo từng bang, nhưng tất cả đều đưa ra hạn chót đến ngày 11/12 để hoàn tất việc kiểm phiếu lại nếu cần và giải quyết các tranh chấp xung quanh kết quả cuối cùng.

Kịch bản cho bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Giới quan sát dự đoán, hiện có một số dấu hiệu ám chỉ mọi thứ có thể diễn ra nhanh hơn ở một số bang chiến địa then chốt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Ở Georgia, luật bầu cử mới khiến nhiều người trực tiếp đi bỏ phiếu sớm hơn, thay vì chọn bỏ phiếu qua đường bưu điện. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình kiểm phiếu. Trong khi đó, bang Bắc Carolina không còn chấp nhận các lá phiếu gửi qua đường bưu điện nếu chúng đến sau ngày tổng tuyển cử 5/11.

Xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” mới đây của đài CBS, Tổng thư ký bang Georgia Brad Raffensperger, thành viên đảng Cộng hòa nhận định, 70-75% các lá phiếu sẽ được kiểm đếm trong vài giờ sau khi quá trình bỏ phiếu kết thúc và được báo cáo muộn nhất vào lúc 20h tối ngày bầu cử quốc gia. Song, giới quan sát lưu ý, nếu những gì từng diễn ra ở Georgia cách đây 4 năm lặp lại, kết quả ai thắng cử có thể vẫn chưa ngã ngũ dựa theo kết quả tại bang này.

Các bang khác, chẳng hạn như 2 bang chiến địa Pennsylvania và Wisconsin không cho phép ủy ban bầu cử xử lý bất kỳ lá phiếu nào trước ngày tổng tuyển cử. Song, việc kiểm phiếu cũng có thể nhanh hơn ở những nơi đó nhờ nhiều kinh nghiệm hơn và ít lá phiếu gửi qua thư cần xử lý hơn so với cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra trong đại dịch Covid-19. Trung tâm Nghiên cứu & đổi mới bầu cử của bang đã ban hành một danh sách các quy tắc và mốc thời gian khác nhau để xử lý những phiếu bầu kiểu này.

Tại Michigan, một bang trọng yếu khác, Tổng thư ký bang Jocelyn Benson nhấn mạnh, việc kiểm đếm phiếu bầu có thể diễn ra trước ngày bầu cử. Bà Benson, thành viên đảng Dân chủ bày tỏ hy vọng kết quả cuối cùng sẽ có vào cuối ngày 6/11, một ngày sau khi quá trình bỏ phiếu kết thúc.

Tuy nhiên, sự bám đuổi sít sao giữa các ứng cử viên tổng thống về tỉ lệ ủng hộ có thể khiến Mỹ mất nhiều thời gian để tìm ra người đắc cử vị trí lãnh đạo Nhà Trắng. Ví dụ, vào năm 2000, sự chênh lệch rất nhỏ trong bầu cử ở bang Florida đi kèm với hệ thống đục lỗ phiếu gặp lỗi khiến một số lá phiếu bị “đục lỗ không đúng” trở thành vấn đề gây tranh cãi nảy lửa. Phải mất đến 36 ngày sau bỏ phiếu mới có kết quả chính thức, khi Tòa án tối cao tạm dừng việc kiểm phiếu lại một phần tại bang này và về cơ bản trao chiến thắng cho ứng viên Cộng hòa George W. Bush.

Báo NPR dẫn lời Al Schmidt, quan chức phụ trách phụ trách bầu cử ở bang Pennsylvania lưu ý, mọi người cần phải tin tưởng vào lực lượng chức năng ở giai đoạn ngay sau khi kết thúc quá trình bỏ phiếu. Theo ông Schmidt, cuộc bầu cử diễn ra cách đây 4 năm cho thấy, khoảng thời gian ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa là “thời kỳ dễ bị tổn thương, nơi các thế lực tìm cách làm suy yếu niềm tin vào kết quả”.

Hiện không ai dám chắc hiện tượng “ảo ảnh đỏ” có tái lặp trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay hay không và việc xác định ông Trump hay đối thủ - Phó tổng thống Kamala Harris chiến thắng sẽ kéo dài bao lâu.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hien-tuong-ao-anh-do-se-tai-dien-o-bau-cu-tong-thong-my-2336954.html
Zalo