9X khởi nghiệp với nghề làm đầu lân sư rồng

'Tuổi trẻ tiếp lửa nghề làm đầu lân sư rồng truyền thống' - là dự án đoạt giải 3 Cuộc thi 'Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp' tỉnh An Giang lần thứ VIII/2024 của chàng trai trẻ Nguyễn Phan Huy Hoàng (sinh năm 1998, ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân).

Theo chia sẻ của Huy Hoàng, để thành thạo nghề làm đầu lân, rồng như hiện nay, Hoàng đã bỏ tiền túi ra mua đầu lân, rồng cũ về tháo ra để nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật. Tháo chi tiết nào, lắp ráp ra sao, Hoàng đều ghi lại để nhớ. Phải mất hơn 1 tháng tự tìm tòi, nghiên cứu, trải qua không ít lần thất bại, chàng trai ấy cũng dần hoàn thiện chiếc đầu lân đầu tiên của riêng mình.

So với đầu lân, đầu rồng làm ra sẽ khó hơn vì nó mang nhiều chi tiết phức tạp, rườm rà hơn. Với chất liệu bằng mây khô (đặt mua), đầu lân, rồng được bẻ cong hay thẳng theo nguyên tắc, kỹ thuật của người làm. Tất nhiên khi làm, tỷ lệ hao hụt cũng không ít vì giòn, dễ gãy. Vì thế, người thợ phải thật khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết.

Huy Hoàng bắt đầu bán sản phẩm đầu lân, rồng hơn 1 năm nay. Không chỉ giữ nghề cho riêng mình, Huy Hoàng còn nhiệt tình dạy nghề miễn phí cho những thanh niên trong đội lân sư rồng Đình thần Bình Thạnh Đông với mong muốn, "tiếp lửa" nghề truyền thống và tạo thêm thu nhập cho từ 5 -10 lao động là thanh niên tại địa phương.

Nguyễn Văn Nghĩa (15 tuổi, ngụ huyện Phú Tân) cho biết: "Anh Huy Hoàng là người đã dạy nghề. Em chỉ làm công đoạn dán giấy, đắp vải cho đầu lân, rồng. Mỗi đầu lân, rồng khi đắp giấy xong, em được trả công 50.000 - 70.000 đồng. Khả năng em đắp giấy, vải được khoảng 2 cái đầu lân, rồng/ngày. Công đoạn này không quá khó nhưng cũng phải cẩn thận, chăm chút nhiều".

Đắp giấy, sơn màu dễ hơn tạo khung đầu lân, rồng vì rất khó và cực công, mất thời gian. Vì vậy, công thợ làm khung đầu lân, rồng rất cao (300.000 đồng/khung đầu lân; 600.000 đồng/khung đầu rồng). Cơ sở của Huy Hoàng chỉ có 2 người chuyên làm khung đầu lân, rồng.

"Em đắp vải và dán giấy đầu lân, rồng là chủ yếu, nhưng muốn phát triển bản thân hơn nên đang cố gắng học làm khung đầu. Dù khó nhưng em sẽ cố gắng vì anh Hoàng chỉ dạy rất tận tình" - Lê Dĩ Liêm (sinh năm 2007, ngụ xã Phú Bình, huyện Phú Tân) chia sẻ.

Nguyễn Thị Kim Chi (sinh năm 1998, vợ Huy Hoàng) ủng hộ niềm đam mê của chồng. "Có năng khiếu vẽ nên em tập vẽ đầu lân khi công đoạn đắp giấy, vải hoàn thành. Em sử dụng màu bột để khi sơn không bị chảy màu. Lúc đầu chưa quen, cần vẽ phác họa trước nhưng giờ đã thuần thục nên đỡ mất thời gian hơn ".

Đôi mắt chính là điểm nhấn ở đầu lân, rồng. Huy Hoàng thường làm đôi mắt hơi xéo lên sẽ giúp con lân, rồng khi biểu diễn trông sẽ oai phong, mạnh mẽ hơn.

Đắp lông vũ là công đoạn cuối cùng tạo nên đầu lân, rồng hoàn chỉnh. Công đoạn này khá đơn giản, song phải chăm chút để "thổi thêm hồn” cho đầu lân, rồng bắt mắt khách hàng.

Hiện, đầu lân, rồng cơ sở Huy Hoàng tiêu thụ nhiều ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam. Mỗi tháng, cơ sở cung cấp khoảng 10 đầu lân, rồng kích thước lớn có giá bán từ 5 - 7 triệu đồng/cái. Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu, Huy Hoàng còn bán đầu lân, rồng mi-ni để trang trí với giá khoảng 500.000 đồng/cái trở lên. Đầu lân, rồng cỡ trung có giá 1,5 - 2 triệu đồng/cái. Trừ hết chi phí, nhân công, lợi nhuận Huy Hoàng thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. Mở rộng cơ sở là dự định sắp tới của chàng thanh niên trẻ ấy.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/9x-khoi-nghiep-voi-nghe-lam-dau-lan-su-rong-a407334.html
Zalo