90% doanh số bán hàng online thuộc về Shopee và TikTok Shop

Mặc dù có sự chênh lệch về tốc độc tăng trưởng, Shopee và TikTok Shop vẫn dẫn đầu cuộc đua về thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam, chiếm trên 90% tổng giá trị giao dịch.

Theo Báo cáo doanh thu các sàn thương mại điện tử quý II/2024 của công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI công bố ngày 13/8, bốn nền tảng thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki có tổng giá trị giao dịch (GMV) đạt 87,37 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với quý trước đó.

Trong đó, Shopee tiếp tục dẫn đầu với 62,38 nghìn tỷ đồng, đạt 71,4% thị phần GMV. Shopee đồng thời chiếm trên 50% thị phần cho tất cả các nhóm ngành hàng thương mại điện tử.

Xếp thứ hai là TikTok Shop với 19,24 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,0% thị phần GMV. Xếp thứ 3 và 4 lần lượt là Lazada (5,16 nghìn tỷ đồng) và Tiki (584,77 tỷ đồng).

Nguồn: YouNet ECI

Nguồn: YouNet ECI

Kết quả cho thấy, riêng Shopee và TikTok Shop đã chiếm đến 93,4% thị phần GMV. Tuy nhiên, so sánh giữa hai nền tảng, tốc độ tăng trưởng của Shopee trong quý II so với quý I vượt trội so với TikTok Shop. Nếu như tổng GMV TikTok Shop tăng trưởng 4,8% so với quý trước thì tổng GMV của Shopee tăng trưởng đến 16,1% – giúp nền tảng này chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.

Theo YouNet ECI, nguyên nhân chính cho sự chênh lệch này nằm ở mức độ phụ thuộc vào nhóm ngành hàng thời trang & phụ kiện của Shopee và TikTok Shop.

Cụ thể, nếu như nhóm ngành hàng thời trang & phụ kiện chỉ chiếm 24% trên tổng GMV của Shopee trong quý thì nhóm ngành hàng này lại chiếm đến 37,5% trên tổng GMV của TikTok Shop trên cùng thời gian. Khi nhu cầu cho sản phẩm thời trang & phụ kiện giảm trong quý II so với quý I (do quý I có Tết Nguyên Đán là cao điểm của ngành hàng) thì TikTok Shop đã chịu ảnh hưởng nhiều hơn Shopee.

Tuy nhiên, nhìn chung, thời trang & phụ kiện vẫn là nhóm ngành hàng được người tiêu dùng mua nhiều nhất trên 4 nền tảng thương mại điện tử, đạt 22,679 nghìn tỷ đồng GMV. Xếp sau lần lượt là nhóm Sắc đẹp (13,4 nghìn tỷ đồng), Nhà cửa & Đời sống (10,6 nghìn tỷ đồng), Công nghệ (8 nghìn tỷ đồng) và Điện gia dụng (6 nghìn tỷ đồng).

Về xu hướng trong thời gian tới, báo cáo của YouNet ECI cho rằng thị trường sẽ ngày càng phát triển theo hướng chắt lọc, trọng chất hơn lượng.

“Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử đang thay đổi rất nhanh theo hướng chắt lọc, tập trung với số lượng gian hàng không chuyên, doanh thu thấp ngày càng ít đi,” báo cáo nhận định.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI nhấn mạnh rằng chìa khóa tăng trưởng trên thương mại điện tử giờ đây nằm ở sự thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng và khả năng chuyên nghiệp hóa trên từng điểm chạm.

“Đã qua rồi thời điểm nhãn hàng chỉ cần mở gian hàng trên sàn là có doanh thu mà việc nắm trong tay dữ liệu, biết cách phân tích để liên tục tìm ra hướng đi mới là yêu cầu bắt buộc,” ông Lâm cho biết.

Nguồn: YouNet ECI

Nguồn: YouNet ECI

Trong quý II/2024, trọng tâm của hai nền tảng có thị phần lớn nhất tiếp tục là mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment). Đặc biệt trong tháng 6, nếu như TikTok Shop tạo dấu ấn với các phiên livestream trăm tỷ thì Shopee cũng không kém cạnh với Chuỗi sự kiện Shopee Live – Siêu Nhạc Hội. Nhờ lực đẩy này mà GMV toàn thị trường tháng 6 đã chạm mức 33,8 nghìn tỷ đồng/tháng – cao nhất từ đầu năm tới nay.

“Ba xu hướng chủ đạo sẽ là nguồn động lực tăng trưởng chính cho thương mại điện tử Việt Nam từ 3 đến 5 năm tới sẽ là: thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment,” ông Lâm dự báo.

Linh An

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/90-doanh-so-ban-hang-online-thuoc-ve-shopee-va-tiktok-shop-32404.html
Zalo