9 tháng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD
Tính đến 30/9/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9 năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngoài GVMCP giảm thì đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 9 tháng có 2.492 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 4,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 13,55 tỷ USD (tăng 11,3% so với cùng kỳ).
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.
Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn (Singapore) tại Bắc Ninh điều chỉnh mở rộng dự án thêm 1,07 tỷ USD.
Cùng giai đoạn, có 1.027 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 7,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 7,64 tỷ USD (tăng 48,1% so với cùng kỳ).
Về GVMCP, 9 tháng qua có 2.471 giao dịch GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,59 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ.
Xét về vốn thực hiện, tính tới hết tháng 9 năm 2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 17,3 USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng cộng đã có đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,35 tỷ USD, chiếm gần 29,7% tổng vốn đầu tư, tăng 69% so với cùng kỳ 2023, trong đó gần 70% là vốn đầu tư mới. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,2 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23,9%) và GVMCP (chiếm 25,6%).
Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,47 lần cùng kỳ. Tiếp theo là TP. Hồ Chí Minh với hơn 1,91 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 15,1% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,81 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội… Nếu xét về số lượng dự án, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,1%) và GVMCP (chiếm 70,5%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,5%).
Tính lũy kế đến tháng 9 năm 2024, cả nước có 41.314 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 491,71 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực./.
Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài giảm hơn một nửa
Cũng trong 9 tháng năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 105 dự án mới và 18 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 177,4 triệu USD (bằng 42,6% so với cùng kỳ). Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (30,8%); Lào (24,5%); Hoa Kỳ (16,8%);…
Lũy kế đến tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã có 1.772 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,11 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,3%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,9%); Campuchia (13,3%); Venezuela (8,3%);…