Tám tháng đầu năm 2024, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 11.246 tỷ đồng

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 83 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 30/8/2024, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý 11.246 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 383 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.987 tỷ đồng, kiến nghị khác 7.876 tỷ đồng.

Chiều 23/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán nhà nước.

Cung cấp 206 báo cáo kiểm toán và tài liệu phục vụ điều tra, giám sát

Trình bày báo cáo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 83 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 30/8/2024 (gồm 81 báo cáo kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2024 và 2 báo cáo kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2023 chuyển sang), Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị 11.246 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 383 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 2.987 tỷ đồng, kiến nghị khác 7.876 tỷ đồng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 23/9. (Ảnh: DUY LINH)

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày báo cáo tại phiên họp chiều 23/9. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số nội dung không phù hợp thuộc 75 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đối với kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 theo báo cáo của các đơn vị đến ngày 30/8/2024 là 33.099,5 tỷ đồng/49.941,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,3%; đã thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới cơ chế chính sách là 12/198 văn bản ; 44/107 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

Kiểm toán nhà nước đã chuyển 1 hồ sơ cho cơ quan Công an tỉnh để điều tra, làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn.

Về công khai và cung cấp kết quả kiểm toán, đáng chú ý, đến ngày 30/8/2024, Kiểm toán nhà nước đã cung cấp 206 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025, tổng số nhiệm vụ kiểm toán là 120 nhiệm vụ (giảm 1 nhiệm vụ so với năm 2024), đồng thời phải bảo đảm kiểm toán quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 90% số bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu mục tiêu tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. (Ảnh: DUY LINH)

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2023, việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác giảm cả về quy mô và tỷ trọng; thực hiện kiến nghị về xử lý văn bản rất thấp, chỉ đạt khoảng 6,06%.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với quy mô, phạm vi kiểm toán khá rộng, nhưng kết quả kiểm toán phòng, chống tham nhũng, Kiểm toán nhà nước mới chỉ kiến nghị xem xét chỉ đạo 1 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật là chưa tương xứng.

Làm rõ nguyên nhân chậm thực hiện các kiến nghị kiểm toán

Thảo luận về báo cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, hoạt động đã có nhiều đổi mới theo hướng đổi mới toàn diện, có đột phá, bám sát các quy định của Luật Kiểm toán, chiến lược phát triển của Kiểm toán nhà nước và các chủ trương của Đảng về lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: DUY LINH)

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải. (Ảnh: DUY LINH)

Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị Kiểm toán nhà nước tăng cường kiến nghị với người đứng đầu tại địa phương, trong đó chú trọng đưa ra những giải pháp phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn những biểu hiện nguy cơ rủi ro về thất thoát tài sản nhà nước và vi phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Kiểm toán nhà nước báo cáo bổ sung danh mục cụ thể các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của kiểm toán; làm rõ nguyên nhân, trong việc chậm thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; báo cáo bổ sung việc thực hiện Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước thời gian qua tác động như thế nào đến việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước...

Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục tập trung, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm toán và phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Kiểm toán nhà nước.

Cho ý kiến vào báo cáo, về kết quả công tác năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần làm rõ nguyên nhân trong việc chậm thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH)

Đối với công tác kiểm toán năm 2025, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác kiểm toán năm 2023 và năm 2024 còn tồn tại; đôn đốc thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đồng thời chú trọng công tác hậu kiểm. Kiểm toán nhà nước cần lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, “trúng và đúng”, đồng thời cắt giảm các nhiệm vụ không cần thiết, trùng lặp với kế hoạch thanh tra.

Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu yêu cầu tập trung kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có khối lượng thực hiện và giải ngân lớn. Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, cần làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đánh giá việc thực hiện các chính sách tiền tệ, khả năng và hiệu quả cung cấp vốn cho nền kinh tế và kiểm soát rủi ro tín dụng…

VĂN TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/8-thang-dau-nam-2024-kiem-toan-nha-nuoc-kien-nghi-xu-ly-11246-ty-dong-post832710.html
Zalo