Chung tay giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
'Tai nạn lao động (TNLÐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người lao động. Do đó, việc chung tay cải thiện môi trường, điều kiện làm việc và tập trung vào công tác an toàn để giảm thiểu TNLÐ, BNN là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội', ông Phạm Chí Hải, Giám đốc Sở Nội vụ, nhấn mạnh.
- Thưa ông, thời gian qua tỉnh triển khai thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Ông Phạm Chí Hải: Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của ATVSLÐ trong đời sống xã hội, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác ATVSLÐ; chỉ đạo các ngành, các cấp tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chấp hành, thực hiện các quy định của Luật ATVSLÐ.
Năm 2025, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 26/3/2025 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình ATVSLÐ trên địa bàn tỉnh năm 2025, đã triển khai đến các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, tình hình thực tế triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp theo quy định. Song song đó, trên cơ sở Công văn số 907/BNV-CVL ngày 2/4/2025 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ tiếp tục triển khai, tăng cường thúc đẩy các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại Kế hoạch số 233-KH/TU ngày 6/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác ATVSLÐ trong tình hình mới; Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25/12/2024 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 209/NQ-CP ngày 28/10/2024 của Chính phủ. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung trong công tác này.
Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ chỉ đạo công đoàn ngành, Liên đoàn Lao động các huyện, TP Cà Mau tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLÐ, nhất là trong Tháng hành động về ATVSLÐ và Tháng Công nhân năm 2025. Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn ATVSLÐ cho người làm công tác công đoàn; thực hiện thông tin, tuyên truyền, tổ chức các sân chơi và hội thi ATVSLÐ tại các đơn vị, DN. Phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLÐ có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLÐ; tham gia điều tra TNLÐ theo quy định của pháp luật; triển khai các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLÐ.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan thực hiện tốt kế hoạch ATVSLÐ; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLÐ, phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLÐ đối với các đơn vị, DN trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý. Ban Quản lý Khu Kinh tế sẽ xây dựng chỉ đạo các DN trên địa bàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2025...
UBND các huyện, thành phố sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tập trung triển khai tại các khu vực làng nghề có nhiều nguy cơ mất ATVSLÐ và NLÐ không theo hợp đồng lao động trên địa bàn quản lý. Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSLÐ thông qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLÐ đối với cả NLÐ làm việc theo hợp đồng lao động và không theo hợp đồng lao động tại địa phương. Chủ động bố trí ngân sách, nguồn nhân lực, lồng ghép các chương trình, các kế hoạch có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.

Người lao động phải làm việc dưới trời nắng gắt và địa hình bất lợi sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
- Công tác kiểm tra ATVSLÐ thực tế tại nơi làm việc có nguy cơ cao về TNLÐ được siết chặt và quản lý ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Chí Hải: Ðể nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLÐ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSLÐ của các đơn vị, DN; kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc đảm bảo ATVSLÐ tại nơi làm việc, đặc biệt là trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLÐ và huấn luyện ATVSLÐ, từ đó hướng dẫn các DN khắc phục, ngăn ngừa TNLÐ.
Các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLÐ. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây) thành lập Ðoàn và thực hiện 1 cuộc thanh tra với 8 đơn vị, 2 cuộc kiểm tra tại 21 đơn vị. Sở Y tế kiểm tra, giám sát hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ tại 9 trung tâm y tế và 101 trạm y tế; tổ chức kiểm tra, giám sát về ATVSLÐ, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLÐ nơi làm việc tại các cơ sở y tế đóng trên địa bàn. UBND các huyện, TP Cà Mau tổ chức 11 cuộc kiểm tra tại 91 DN.
Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, đa số các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đúng quy định, như phân công người làm công tác ATVSLÐ, xây dựng nội quy đảm bảo an toàn lao động, huấn luyện ATVSLÐ cho NLÐ; khai báo việc sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thực hiện chế độ tự kiểm tra công tác bảo hộ lao động, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân theo danh mục nghề... Tuy nhiên, bên cạnh vẫn còn một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa tổ chức huấn luyện ATVSLÐ, chưa quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLÐ, chưa tham gia đóng các loại bảo hiểm xã hội cho NLÐ theo quy định... Qua đó, đã nhắc nhở các đơn vị chấp hành nghiêm các quy định pháp luật lao động, Luật ATVSLÐ; kiến nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục những thiếu sót, không đảm bảo ATVSLÐ.

Bản cảnh báo an toàn và vệ sinh lao động cho người tham gia lao động. Ảnh: Sở Nội vụ cung cấp.
- Ông có thể chia sẻ về phương hướng khắc phục những bất cập, khó khăn để thực hiện tốt hơn Chương trình ATVSLÐ trên địa bàn tỉnh?
Ông Phạm Chí Hải: Ðể khắc phục khó khăn, bất cập trong thời gian qua, thực hiện tốt hơn Chương trình ATVSLÐ trong tình hình mới, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện tốt một số giải pháp hiệu quả cao như sau:
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền cần xác định công tác bảo đảm ATVSLÐ, cải thiện môi trường, điều kiện lao động, chủ động phòng ngừa TNLÐ, BNN, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho NLÐ là trách nhiệm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được đưa vào chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hằng năm. Ðây là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức và cá nhân người đứng đầu. Cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao năng lực, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLÐ trong quá trình sản xuất.
Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATVSLÐ đến người dân với các hình thức phù hợp với từng địa bàn. Phát huy vai trò của các hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức về an toàn trong sử dụng điện thông qua nhiều hình thức như phát tờ rơi, lắp đặt pa nô, khẩu hiệu, thông tin trên báo, đài, trang thông tin điện tử và các hình thức khác phù hợp.
Ba là, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đưa nội dung ATVSLÐ vào chương trình đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ. Tổ chức lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa TNLÐ, BNN, quản lý rủi ro, đảm bảo vệ sinh lao động nông thôn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bốn là, khuyến khích đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị an toàn vào sản xuất nhằm nâng cao mức độ an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho NLÐ. Triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLÐ; xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch ATVSLÐ hằng năm.
Năm là, tích cực, chủ động trong công tác quản lý rủi ro; triển khai thực hiện tốt chính sách, chế độ và quy chuẩn phòng ngừa TNLÐ, BNN. Thường xuyên tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất. Tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ TNLÐ, từ đó rút kinh nghiệm, bài học, xây dựng các cảnh báo để phổ biến rộng rãi trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất nói riêng; triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng tránh TNLÐ tái diễn. Huy động nguồn lực xã hội tham gia vào việc đảm bảo ATVSLÐ. Phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định, tư vấn kỹ thuật ATVSLÐ.
Sáu là, tiếp tục rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy làm công tác ATVSLÐ theo hướng thống nhất, tập trung, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, chồng chéo trong quản lý Nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, Nhân dân trong việc thực hiện công tác ATVSLÐ. Bố trí đủ số, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác ATVSLÐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bảy là, tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo, tập huấn về sử dụng máy móc, thiết bị an toàn đến tận người dân, qua đó phát hiện các nguy cơ mất an toàn và đề ra giải pháp phòng ngừa. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm liên quan đến ATVSLÐ trong sản xuất. Ðịnh kỳ sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn và những mặt còn hạn chế, yếu kém, những vấn đề mới nảy sinh trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tiếp theo.