8 kết quả nổi bật của tỉnh Thái Bình năm 2024

Năm 2024 với nhiều khó khăn, thách thức song ngay từ đầu năm Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả nổi bật.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả.

Cụ thể: Một là, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước tăng 7,01%. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 210.455 tỷ đồng, tăng 6,92% so với năm 2023; trong đó, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,49% (công nghiệp tăng 9,19%, xây dựng tăng 6,49%). Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 26.665,3 tỷ đồng, đạt 136,8% dự toán, tăng 9,9% so với năm 2023; trong đó, thu nội địa 11.068,3 tỷ đồng (là năm thứ 3 thu nội địa đạt trên 10.000 tỷ đồng), đạt 128,6% dự toán, tăng 12,8%. Thu trên địa bàn đạt 12.218 tỷ đồng.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đạt kết quả tốt, tính đến ngày 30/11/2024 là 5.318,9 tỷ đồng, đạt 95,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 54% kế hoạch vốn địa phương phân bổ. Ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến hết năm 2024 đạt 169,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 96% kế hoạch địa phương triển khai. Thái Bình tiếp tục là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nằm trong top đầu cả nước.

Đến hết ngày 30/11/2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 38.088 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 958 triệu USD, ước cả năm thu hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD.

Hai là, chủ động, kịp thời ban hành các văn bản triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản, quy định mới của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, từ đó tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tháo gỡ được nút thắt trong giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Ba là, chỉ đạo khẩn trương sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương. Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh đã xây dựng đề án sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 10 xã mới, giảm 18 xã. Sau sắp xếp, toàn tỉnh từ 260 xã, phường, thị trấn giảm xuống còn 242 xã, phường, thị trấn.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh, đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy các cơ quan chính quyền cấp tỉnh theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cấp cơ sở; đối với các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh không thuộc diện hợp nhất, sáp nhập thì tiến hành rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và giảm bình quân tối thiểu 20% đầu mối các phòng, đơn vị trực thuộc; đối với các cơ quan thuộc diện sáp nhập tiếp tục rà soát và thực hiện giảm mạnh các đầu mối bên trong. Việc sắp xếp lại mô hình tổ chức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh nhằm thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhiều tổ chức trung gian cồng kềnh; cải cách hành chính; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành tuyến đường trục 1, 2, 5 trong Khu kinh tế; đường vành đai phía Nam.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành tuyến đường trục 1, 2, 5 trong Khu kinh tế; đường vành đai phía Nam.

Bốn là, việc tổ chức triển khai thi công các công trình trọng điểm, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, “xuyên ngày nghỉ lễ”, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai thực hiện, có dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, như:

Hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Bình - Phố Nối, đoạn qua tỉnh Thái Bình, với 39km qua 4 huyện và 22 xã. Hoàn thành và đưa vào hoạt động công trình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao trong khu vực, là công trình đầu tiên sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển của Chính phủ hoàn thành trên cả nước.

Hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh kết nối các huyện, đường 452, đoạn từ đường Thái Bình - Hà Nam đi xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà; dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 455 đoạn từ xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ đến Đường tỉnh 456 huyện Thái Thụy; dự án tuyến Đường tỉnh 454 từ thành phố đi Sa Cao, đoạn từ thành phố đến nút giao với đường ĐH.13; dự án Quốc lộ 37 và cầu sông Hóa kết nối với Hải Phòng.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thành tuyến đường trục 1, 2, 5 trong Khu kinh tế; đường vành đai phía Nam, Đường 223 thành phố đi Sa Cao, đoạn từ thành phố đến nút giao với đường ĐH.13; hợp long cầu vượt sông Hồng thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển nối tỉnh Thái Bình với tỉnh Nam Định (đang trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư để hoàn thành dự án trong năm 2025).

Cơ bản hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái (giai đoạn 1), Khu công nghiệp Tiền Hải Viglacera, Khu công nghiệp Cầu Nghìn, các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện để thu hút đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP, Hưng Phú, Hải Long; dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện 32 dự án phát triển nhà ở (trong đó có 9 dự án khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu) trên địa bàn huyện, thành phố; các dự án phát triển nhà ở khu dân cư Đông Hòa, Tân Bình - Tiền Phong; đô thị mới Kiến Giang, Vũ Phúc; dự án phát triển đô thị trung tâm thành phố Thái Bình ven sông Trà Lý.

Phê duyệt dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình (CT.08) và đang khẩn trương triển khai các bước tiếp theo để khởi công dự án vào đầu năm 2025; triển khai thủ tục đầu tư các dự án: đường thành phố đi cầu Nghìn theo hình thức đầu tư công; dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại trung tâm y tế tỉnh; dự án Bảo tàng tỉnh...

Năm là, Khu kinh tế Thái Bình được tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển toàn diện, dần trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; hoàn thành phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu kinh tế. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư hạ tầng các dự án trọng điểm trong Khu kinh tế: Hải Long, VSIP. Đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch phân khu 1/2000 các khu công nghiệp (Thái Đô 1, Tiền Hải, Thụy Lương), quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Cồn Vành, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải; trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Hưng Phú. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế, các khu công nghiệp.

Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được quan tâm chỉ đạo kịp thời, xác định quy hoạch đi trước một bước để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở đạt kết quả tích cực.

Sáu là, các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được chỉ đạo toàn diện, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế và phục vụ nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công, giảm nghèo, bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả; ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế; tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa nhân các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng. Tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực từ ngân sách để phát động phong trào “300 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh”.

Bảy là, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, vướng mắc trong thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách; tổ chức hội nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tám là, tình hình quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, bảo đảm, nhất là trong dịp lễ tết và các sự kiện quan trọng; đạt thành tích 12 năm liên tiếp không xảy ra đốt pháo nổ trong đêm giao thừa; tai nạn giao thông, cháy nổ được kiềm chế, kéo giảm, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân năm 2024. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/8-ket-qua-noi-bat-cua-tinh-thai-binh-nam-2024-391705.html
Zalo